Một công trình nghiên cứu đã được tiến hành bằng cách so sánh âm điệu tiếng khóc của 30 trẻ sơ sinh Pháp và 30 trẻ sơ sinh Đức khoảng 3-5 ngày tuổi.
Trong khi tiếng khóc của các trẻ sơ sinh Pháp có âm điệu ngày càng tăng cao thì tiếng khóc của các trẻ sơ sinh Đức có xu hướng đang chát chúa bỗng trầm xuống.
Thực tế, người Pháp thường nói nhấn mạnh ở chữ cuối câu nên giọng có hơi cao hơn khi chấm dứt câu. Trong khi đó, cách nói của người Đức thường hạ giọng ở cuối câu. Điều này có nghĩa là tiếng khóc của trẻ con Pháp không giống tiếng khóc của trẻ con Đức. Và sự khác biệt trong tiếng khóc cho thấy sự khác biệt về ngôn ngữ sau này của chúng.
Đây là kết luận vừa được đăng trên báo Current Biology của các nhà nghiên cứu về Khoa học Thần kinh và Nhận thức của Viện Max-Planck, trường Đại học Wulrzburg, Đức cũng như trường Escole Normale Supérieure de Paris, Pháp.
Các nhà nghiên cứu này cho rằng âm hưởng khác biệt trong tiếng khóc của 60 trẻ sơ sinh trên được thể hiện sau này qua những giai điệu khác biệt trong câu nói, cách phát âm của người Pháp và Đức.
Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã biết rằng ngay từ ba tháng cuối cùng trong bụng mẹ, thính giác là giác quan được phát triển sớm nhất. Do đó, phôi thai đã biết nghe và có thể lờ mờ nhận thức được ngôn ngữ xung quanh, nhận thức được âm điệu lên xuống trong giọng nói của người mẹ. Chính vì vậy, sau khi được sinh ra, trẻ thường có phản ứng mạnh hơn, rõ rệt hơn với ngôn ngữ của người mẹ.
Tuy nhiên, qua kết quả nghiên cứu này, chúng ta biết thêm là những trẻ sơ sinh còn biết cách thể hiện lại âm điệu lên xuống trong ngôn ngữ của mẹ đẻ, ngay khi được sinh ra đời.
Trước đây, các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng âm điệu lên xuống trong tiếng khóc của tất cả trẻ sơ sinh (cả những con tinh tinh mới đẻ) là do sự tăng hay giảm áp lực trong hệ hô hấp của chúng./.