Ngáy ngủ rất phổ biến và xảy ra ở mọi lứa tuổi. Hầu hết chúng ta nghĩ rằng ngáy khi ngủ là điều bình thường, nhưng thực tế không phải như vậy. Ngáy ngủ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe, thậm chí đe dọa đến mạng sống.
>>> Ngáy khiến nhan sắc giảm sút
Ngáy và tắc động mạch
Ngáy có thể là nguyên nhân gây ra đột quỵ và đau tim. Bởi ngáy ngủ thường xuyên có thể sẽ dẫn đến tình trạng thu hẹp động mạch cảnh. Động mạch cảnh là động mạch chính ở cổ có nhiệm vụ cung cấp oxy lên não.
Các nhà khoa học của trường Đại học Detroit tin rằng, ngáy gây ra tình trạng viêm nhiễm làm cho động mạch dày lên và đây chính là giai đoạn đầu của xơ vữa động mạch cảnh. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Trong một cuộc nghiên cứu khác ở Australia, các nhà khoa học cũng đã tìm ra những bằng chứng cho thấy sự liên quan giữa ngáy ngủ và xơ vữa động mạch cảnh.
Sau một thời gian dài theo dõi giấc ngủ của 110 người tham gia, các nhà khoa học phát hiện tình trạng xơ vữa động mạch cảnh xuất hiện với tỷ lệ 20% ở người ngáy ít (ngáy dưới 25% thời gian ngủ), 32% ở người ngáy bình thường (từ 25 đến 50% thời gian ngủ) và 64% ở người ngáy nhiều (ngáy hơn một nửa thời gian ngủ).
Ngáy khi ngủ cũng gây nguy hiểm cho sức khỏe trái tim, bởi nó cũng liên quan đến tình trạng xơ vữa động mạnh cảnh quanh tim và có thể dẫn đến đau tim.
Ngáy cũng có thể sẽ gây ra tình trạng ngừng thở khi ngủ. Thậm chí, ngáy thường xuyên có thể dẫn đến viêm động mạch bên trong cơ thể và làm động mạch dày hơn, từ đó dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Ngủ ngáy nguy hiểm với thai phụ
Các nhà nghiên cứu của trường Đại học Michigan, Mỹ đã tìm ra những dấu hiệu cho thấy, phụ nữ bắt đầu ngủ ngáy khi mang thai sẽ tăng nguy cơ bị tiền sản giật và cao huyết áp.
Nghiên cứu trên 1.700 thai phụ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra ngủ ngáy thường xuyên (3-4 đêm/tuần) là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề cao huyết áp. Khoảng 25% thai phụ khởi phát ngáy ngủ khi mang thai sẽ đối mặt với nguy cơ tăng huyết áp cao gấp đôi so với những thai phụ không ngủ ngáy.
Cao huyết áp thai nghén, đặc biệt là tiền sản giật đã được chứng minh là có liên quan với việc sinh con nhẹ cân và tăng nguy cơ sinh non.
Các rối loạn cao huyết áp trong thai kỳ cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ và trẻ trên thế giới. Vì vậy mà tình trạng khởi phát ngáy khi ngủ trong thời kỳ mang thai rất nguy hiểm đối với cả mẹ và con.
Ngủ ngáy - nguyên nhân gây đau đầu mãn tính
Một cuộc nghiên cứu về chứng ngáy khi ngủ được đăng tải trên Tạp chí Thần kinh học của Viện Hàn lâm Hoa Kỳ cho biết, có sự liên hệ giữa chứng ngáy ngủ và bệnh đau đầu mãn tính.
Cuộc nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của 206 người đau đầu theo giai đoạn và 507 người đau đầu thường xuyên. Từ kết quả thu được, các nhà nghiên cứu kết luận, những người ngáy khi ngủ đối mặt với nguy cơ đau đầu cao gấp ba lần so với người không ngủ ngáy.
Ngáy ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của trẻ nhỏ
Theo ước tính, khoảng 2%-3% trẻ em bị mắc phải chứng ngáy khi ngủ. Ngáy trong lúc ngủ ở trẻ cũng nguy hiểm không kém so với người lớn. Ngủ ngáy là một trong những triệu chứng đầu tiên của tình trạng bệnh lí có tên là “tình trạng ngưng thở trong khi ngủ.”
Nếu như ở người trưởng thành, tình trạng này có thể dẫn họ tới một số căn bệnh mãn tính như huyết áp cao, tim mạch, đột quỵ thì với trẻ em, nó cũng có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe và tâm thần. Nó có thể làm trẻ chậm phát triển, rối loạn về hành vi, giảm khả năng tập trung và ảnh hưởng tới thành tích học tập.
Việc ngưng thở này cũng có thể khiến cho đứa trẻ bị thức giấc vài lần trong một đêm, điều này khiến các bé trở nên gắt gỏng, bị đau đầu và đôi khi là không muốn ăn sáng. Tình trạng trên, nếu tiếp tục kéo dài sẽ tác động mạnh tới chỉ số IQ và thành tích học tập của trẻ. Chính vì vậy mà việc phát hiện và điều trị kịp thời sẽ giúp cho trẻ không phải chịu những di chứng đáng tiếc từ việc ngáy khi ngủ.
Giáp pháp giúp hạn chế tình trạng ngáy khi ngủ
Ngủ nghiêng
Những người nằm ngửa có xu hướng ngủ ngáy nhiều hơn so với những người nằm ngủ nghiêng sang một bên. Có điều này là do nằm ngửa làm hàm khép lại, lưỡi khép lại làm chặn đường thở.
Gối cao đầu khi ngủ
Ngủ gối cao sẽ làm cho đầu cao hơn ngực, điều này sẽ giúp bạn giảm chứng ngáy khi ngủ vì đường thở “thông thoáng” hơn.
Không uống rượu và thuốc an thần
Rượu và thuốc an thần làm giãn cơ ở lưỡi và cổ họng khi ngủ, góp phần gây nên hiện tượng ngáy ngủ. Vì vậy để hạn chế hội chứng ngáy khi ngủ, bạn không nên uống rượu và thuốc an thần.
Tập thể dục
Việc tập thể dục không chỉ giúp cho bạn ngủ ngon giấc mà còn giúp các cơ săn chắc. Tập thể dục giúp hạn chế vùng mỡ thừa trên cơ thể, đặc biệt mô mỡ xung quanh vùng cổ, nguyên nhân khiến bạn ngủ ngáy. Do đó, hãy tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để giảm ngáy khi ngủ.
Giảm cân
Ngáy có thể được gây ra bởi một mô mỡ lớn dày bên trong cổ họng và miệng làm thay đổi cấu trúc, thu hẹp và cản trở không khí. Kích thước mô tăng khi trọng lượng cơ thể tăng và đó là lý do tại sao những người thừa cân có nguy cơ mắc hội chứng ngáy cao hơn. Vì vậy giảm cân cũng là một trong những cách giúp hạn chế tình trạng ngủ ngáy.