BĐKH đe dọa môi trường sống của loài báo tuyết

  •  
  • 565

Nghiên cứu của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho biết, nếu lượng phát thải khí nhà kính tiếp tục tăng như hiện nay thì quần thể báo tuyết (Panthera uncia) ở dãy Himalaya có thể sẽ mất đi 30% môi trường sống của chúng.

>>> Hình ảnh đầu của Báo tuyết ở Nga

Với số lượng ngày một suy giảm, ước tính chỉ còn khoảng từ 4.000 - 6.500 cá thể, báo tuyết đang được xếp ở mức nguy cấp (EN) trong Sách đỏ của IUCN. Loài báo này thường cư trú ở khu vực núi cao dưới 5.000m để săn mồi nhưng không sống ở những khu vực có rừng. Khi khí hậu trở nên nóng, ẩm thúc đẩy cây cối sinh trưởng nhanh hơn sẽ từng bước thu hẹp môi trường sống của báo tuyết.

Báo tuyết
Báo tuyết

Khả năng trên đã được nhóm nghiên cứu WWF kiểm chứng thông qua việc sử dụng mô hình điện toán và quan sát thực địa tại những khu vực núi cao thuộc dãy Himalaya - nơi có báo tuyết sinh sống.

Nghiên cứu cũng cho thấy việc mất nơi cư trú trên các dải núi cao không đơn thuần chỉ là thu hẹp không gian sống của loài báo tuyết mà còn khiến chúng dễ rơi vào tầm ngắm của con người. Bởi lẽ, khi không thể kiếm mồi ở những sinh cảnh quen thuộc, báo tuyết buộc phải di cư giảm độ cao và chuyển mục tiêu săn mồi sang các đàn gia súc. Điều này nhanh chóng biến chúng trở thành kẻ thù của con người.

Để tránh đẩy báo tuyết tới bờ vực tuyệt chủng, các nhà nghiên cứu cho rằng ngoài việc giám sát tác động của biến đổi khí hậu và tìm giải pháp thích ứng, quản lý hiệu quả, chính quyền và người dân nơi đây cần nỗ lực giảm tối đa các mối đe dọa đang rình rập loài báo quý, bao gồm nạn săn bắt trái phép, mối xung đột giữa con người và động vật hoang dã, hay hoạt động chăn thả gia súc trong khu vực sinh sống của báo tuyết.

Thông qua nhận diện những vùng chống chịu được với biến đổi khí hậu và có khả năng dung chứa các quần thể báo tuyết sắp mất nơi cư trú, nhóm nghiên cứu còn nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các nỗ lực hợp tác xuyên biên giới để cứu loài báo quý hiếm khỏi những mối nguy cơ đang đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của chúng.

Theo Thiên Nhiên
  • 565