Ngựa đã trải qua quá trình tiến hóa hàng triệu năm để từ một dạng sinh vật nhỏ với chân nhiều ngón, trở thành dạng động vật lớn với chân một ngón như ngày nay.
Tổ tiên xa xưa của loài ngựa đã từng chạy trên khắp các lục địa với các ngón chân và bàn chân như nhiều loài động vật khác. Tuy nhiên sau khi tiến hóa qua các thời đại, ngựa chỉ còn một móng guốc vững chắc duy nhất mà chúng ta vẫn thấy như ngày nay.
Theo một phân tích toàn diện về lịch sử loài ngựa, các nhà khoa học bác bỏ luận điểm cho rằng các ngón chân của ngựa được giữ lại bên trong móng guốc. Thay vào đó, các ngón chân thực sự đã biến mất theo quá trình tiến hóa.
Để đưa ra nhận định này, các nhà khoa học dựa vào hóa thạch perissodactyl - một loài động vật có móng guốc ngón lẻ, vốn được cho là tổ tiên của loài ngựa hiện đại.
Ở thời tiền sử, loài này có nguyên một bàn chân 4 ngón phía trước và 3 ngón phía sau, với móng guốc và một miếng đệm bên dưới, gần giống với loài heo vòi (Tapirus indicus). Tuy nhiên giờ đây, các hậu bối của perissodactyl gồm ngựa, lừa, ngựa vằn... có bàn chân chỉ gồm 1 ngón, bao quanh bởi móng guốc cứng, nhưng linh hoạt.
Ngựa từng có bàn chân 4 ngón, song đã tiến hóa để trở thành 1 ngón duy nhất. (Ảnh: Karolina suchan-Okulska/Morales-García).
Theo các nghiên cứu, sự thay đổi về mặt giải phẫu này được xem là sự thích nghi với cuộc sống trong môi trường thế giới mở. Điều này giúp chúng trở thành những sinh vật nhanh nhẹn, mạnh mẽ hơn.
Cùng với đó, các loài ngựa hiện đại cũng tiến hóa để có phần răng hàm, mũi nhô cao, cho phép chúng ăn cỏ dễ hơn, và kích thước cơ thể lớn để chống đỡ trước các loài đi săn trong tự nhiên.
Hai hậu duệ khác của loài perissodactyl là heo vòi và tê giác mới chỉ mất đi ngón chân thứ 4, và chỉ còn bàn chân 3 ngón. Chúng vẫn xoay sở để sống sót khá tốt trong tự nhiên, nhưng không thể đạt tới tốc độ và sự linh hoạt như ngựa.