“Trong nhiều thập kỷ qua, có vẻ như tất cả công ty trên thế giới đều quan tâm tới mức độ hài lòng với công việc của người lao động. Tuy nhiên, chúng tôi lại cho rằng, sự bất mãn nơi công sở không hẳn là điều xấu”, Jing Zhou, một chuyên gia của Đại học Rice (Mỹ), phát biểu.
Để kiểm tra giả thuyết này, Zhou và cộng sự phỏng vấn 149 người tại một công ty chuyên thăm dò dầu mỏ. Đối với người lao động trực tiếp, họ đưa ra những câu hỏi liên quan đến môi trường làm việc, văn hóa công ty và mức độ hài lòng với công việc. Nhóm nghiên cứu cũng phỏng vấn nhóm quản lý, giám sát của công ty về những người thợ có nhiều sáng kiến kỹ thuật nhất.
Kết quả hết sức bất ngờ: Những người tỏ ra bất mãn với công việc lại có nhiều sáng kiến nhất. “Điều này thực sự trái với mong đợi của đa số chúng ta”, Zhou nhận xét.
Zhou cho rằng những người không hài lòng với công việc luôn có 3 lựa chọn. Họ có thể trốn việc thường xuyên, vẫn đi làm đều đặn nhưng hay tâm sự với mọi người về cảm giác bất mãn hoặc tìm kiếm công việc mới. Đương nhiên những người muốn nhảy sang công ty khác hoặc trốn việc không hề có động lực thay đổi tình hình. Tuy nhiên, những cá nhân thường xuyên than vãn thường dành nhiều thời gian ngẫm nghĩ về cách cải thiện mức độ hài lòng trong công việc. Zhou cho rằng, đó là những “kho sáng kiến” mà nhà quản lý không nên bỏ qua.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng sếp thường không thích nghe ý kiến của những nhân viên bất mãn với công việc, vì thế mà nhiều ý tưởng hay của họ sẽ bị bóp chết. Sau khi phân tích kết quả cuộc khảo sát, Zhou nhận thấy phần lớn sáng kiến của người bất mãn chỉ được phát huy với sự giúp đỡ của những đồng nghiệp biết lắng nghe và chia sẻ.
Trong một nghiên cứu khác, giáo sư Bruce Charlton của Đại học Buckingham (Anh) tìm hiểu tác động của môi trường làm việc đối với mức độ sáng tạo của các nhà khoa học. Ông phát hiện ra rằng nhiều người có phát minh mới trong giai đoạn mà họ bất mãn với công việc.