Xét đến cùng, gã thực sự là một "ca" rất lạ. Học đến hai lần, mới xong được trình độ cấp hai, từ một thằng lái xe công nông, nhảy sang gò hàn, đùng một cái gã thành nhà sáng chế, "đảo ngược" lại cấu tạo của cỗ máy xay đá mua ở Ninh Bình về.
Những tháng ngày bươn chải
Gã tên là Đào Đình Liệu, là hậu duệ của dòng họ Đào danh giá ở làng Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Thành, Yên Thành, Nghệ An, nhưng khốn nỗi, gã học không vào, sau cùng gã chia tay với bàn ghế về nhà được ít lâu sau gã lấy vợ, vợ gã là Hường con bà Thất cùng xóm. Vợ chồng gã ra ở riêng, ông bà cho một lợn giống với dăm bảy sào ruộng phía sau làng.
Dịp ấy, công cuộc khai thác lên Vĩnh Tuy (một khối núi đá đồ sộ Nam Yên Thành) đang bước vào thời kỳ quyết liệt, gã nảy ra một ý hơi ngông: Vay 15 triệu đồng ngân hàng mua một chiếc xe công nông tham gia vào việc chở thuê cho thiên hạ. Nghe chuyện, vợ gã đang cười bỗng nín lặng, lo thì ít mà thương gã thì nhiều. Cầm cả một cục tiền ném vào canh bạc mới này, được thì chớ chứ bại thì chỉ còn nước "cười sưa răng bên miệng ấm sứt vòi”. Thôi thì lấy phải anh chồng như vậy đành phải chịu số trời, thế là từ đó "xe ta bon bon khắp nẻo đường làng, xe ta đại náo các đường liên hương"...
Tiền làm ra ngày càng nhiều, vợ gã bắt đầu yên tâm, còn gã lăn ra với chiếc xe, người rắn lại như hòn đá tảng, tóc bê bết bụi đất. Được vài năm, chiếc xe tàn, gã bán.
Ngồi tính sổ, vợ chồng mừng quá đứng dậy bắt tay nhau, vì trả hết vốn ngân hàng còn lãi ròng tới 18 triệu đồng nữa. Giữa những năm chín mươi của thế kỷ trước, số tiền ấy đã là một con số đẹp như mơ. Bán xe rồi gã quyết định đi lái xe thuê. Vợ gã trố mắt ngạc nhiên thì gã cười giải thích rằng: Khách hàng họ vẫn nhớ gã, để số tiền này quay vòng lo chuyện khác, mình đi lái thuê một vài năm nữa, ngày kiếm 20-30 ngàn đồng, chỉ cần vặn vô lăng tháng cũng kiếm được sáu trăm đến gần triệu bạc...
Ít lâu sau, hết hợp đồng cầm lái, bằng trực giác của một người có tư duy kinh tế, gã bảo vợ đóng cửa lại ra gần lèn đá mượn đất mở một xưởng gò hàn, phục vụ việc khai thác đá ở làng Vĩnh Tuy. Công trường đá buổi ấy, bụi bay mù trời, mìn nổ chói óc, xe cộ rườm mướp, người đào kẻ vác hối hả cả lên. Gã hạ trại, trời sinh ra gã có sức khỏe vô song là cần lúc này đây. Một lò than đỏ rực cả ngày. Chồng quai búa vợ phụ nghề, bao nhiêu búa, choáng, đục, xà beng, rổ sắt phục vụ khai thác đá ra đời, rồi gò hàn, xe công nông hỏng, máy khoan có vấn đề dưa vào đây sửa tất tần tật... "Công xưởng thế giới" của vợ chồng gã ầm ĩ cả ngày.
Sau một ngày đinh tai nhức óc vì quai búa, gã cùng vợ đỏ rèn run run đếm những đồng bạc mồ hôi nước mắt, do bàn tay phồng rộp của hai vợ chồng làm ra. Tiền ngày càng nhiều như nước về chỗ trũng.
Rồi một hôm, người ta kéo về công trường ba cái máy xay đá. Dạo ấy dân khai thác đá ra tận Ninh Bình tậu về một sản phẩm vào dạng "của độc"- máy xay đá. Lần đầu tiên người ta thấy một cỗ máy kỳ lạ như vậy, bao nhiêu đá bỏ vào nó nhai nhỏ hết rồi khạc ra thứ đá ngô, đá bột. Loại này dùng để láng nền đường giao thông, nền sân, nhà hoặc đúc táp lô thì tuyệt.
Gã bỏ búa xuống, hai vợ chồng tò mò xem cỗ máy lạ kỳ. Rồi gã lân la xem họ xay đá, mày mò tìm hiểu cấu tạo, xem công suất, tính kỹ năng, thống kê những ưu điểm, những hạn chế của cỗ máy này. Sau mấy đêm ròng thao thức, gã rụt rè đề xuất với vợ một ý kiến, mà khi nghe vợ gã không cười được, ôi có lẽ lần này bao nhiêu vốn liếng, nước mắt và mồ hôi của hai vợ chồng tích lũy cả chục năm nay sẽ theo cái kế hoạch điên rồ này mà tan tành theo tro bụi.
"Sáng tạo lại" máy xay đá
Những ngày sau đó, Liệu cứ lân la đến bên mấy cỗ máy xay đá, cứ như người nghiện thuốc lào ham ôm điếu gã quan sát kỹ trục máy, thùng, ràng, gã hiểu ra cái tác dụng của búa là đập vỡ vụn cả mẻ đá. Gã tỉ mẩn đo cái ràng tôn nó dày cỡ 1,5 phân, vỏ máy bọc bằng thứ tôn dày. Cái máy này một tiếng đồng hồ, khạc ra khoảng sáu khối đá ngô, làm lợi được nhiều lắm, giá mua tận gốc tại Phủ Lý (Ninh Bình) là 7 triệu đồng một cái. Nhưng máy vẫn có nhược điểm là xay chậm, đá trước khi đưa vào máy phải là loại đá 3, nếu to quá phải có vài nhân công xách búa đập vỡ bớt mới bỏ vào xay được. Máy lại cố định muốn dịch chuyển nơi này sang chỗ khác lại phải dùng xe chuyên chở, hơn nữa khi vận hành mặc dù đập xuôi chiều nhưng máy hay nghẽn.
Thực ra khi nhìn thấy mấy cỗ máy kéo về trong lòng gã bùng lên ước mơ là giá như mình trục tiếp chế tạo được những cỗ máy như thế này thì hay biết mấy, nhưng xem kỹ lại gã muốn mình phải làm khác cơ. Và gã âm thầm thực hiện. Gã dựng lò rèn to hơn, than rừng rực cả ngày, mua về một đống to gang, thép, tôn...
Quyết chế tạo bằng được cái máy xay đá theo ý mình mà trước đó cả tháng trời gã đã viết đi, xóa lại không biết bao nhiêu lần cái bản thiết kế của mình. Gã kêu luôn mấy thợ bạn để họ sẵn sàng quai búa giúp mình. Tất cả ở tư thế sẵn sàng hành động, trong quá trình làm vất vả nhất là khâu uốn cong tấm vòm, phải liên tục đỏ lò, dùng tới hai cái quạt tiếp gió lớn, đốt đến đỏ rực tấm thép, dài 1,03m, rộng 0,52m, nặng trên 60 kg. Gã mượn thêm hai người nữa, đào một lỗ, đưa tấm thép xuống, uốn cong đập liên tục cho đến lúc nó cong đúng tỷ lệ mình mong muốn. Mà phải rèn được hai tấm như vậy để nó có đôi ghép vòm, còn các bộ phận: trục, búa, sàng, vợ chồng gã tự khoan rèn, tiện, sửa đi sửa lại đúng tiêu chuẩn.
Dựa trên cơ sở máy xay đá vùng Phủ Lý (Ninh Bình) gã đã chế tạo chiếc máy mới với những ưu điểm: Thứ nhất nó có ba bánh, khi di chuyển chỉ cần kéo đẩy chứ không phải dùng phương tiện vận chuyển. Thứ hai là bộ phận đập. Đây là phần sáng tạo nhất, máy cứ đập thuận chiều nhưng nó hay tắc nghẽn, nhanh hỏng. Gã mạnh dạn cho búa đập ngược lên, hòn đá vì thế vừa thò ra đã bị đập, nếu chưa vỡ nó sẽ tụt lại nằm trong buồng chứa, rơi xuống búa lại đập tiếp cho đến khi vỡ vụn mới thôi, rồi lúc đó đá mới vượt qua trục cản xuống sàng. Như vậy máy chạy nhẹ và không bị nghẽn. Thứ ba, sàng của máy cũ phải dùng máy mới khoan được lỗ sàng, nay gã cải tiến kỹ thuật dùng oxy để cắt nhanh chóng hơn nhiều. Từ cải tiến ấy đưa đến tác dụng to lớn khác: máy cũ khi gặp đá quá cứng hoặc đá trơn thì không xay nổi. Máy của gã dù đá cứng hay trơn đến mấy cũng nhai tuốt.
Điều quan trọng nữa là cái máy do gã làm ra xay được đá to (đá hộc) ngon lành, chứ không phải chọn loại vừa và nhỏ như trước. Nếu máy cũ phải mất 10 công nhân, thì máy của gã chỉ cần năm công nhân mà công suất tăng gấp đôi, 12 khối đá ngô/1 giờ.
Tin gã Liệu chế tạo lại chiếc máy xay đá làm chấn động dư luận giới phu thợ, người ta mừng cho gã thì ít mà lo sợ thì nhiều. Trong khi bao người nóng ruột hết đi ra ngó vào thì gã vẫn cặm cụi lầm lì trong cái lò nóng bỏng. Ngày thứ chín kết thúc, đứa con tinh thần chào đời trước sự ngỡ ngàng của thiên hạ.
"Đưa nó ra chạy thử" - Liệu ra lệnh giọng khản đặc như người đàn bà vừa đẻ xong, gã bước chập chững theo đoàn người ra bến đá. Máy nổ, khói phụt, bụi bốc cao, đá ngô đổ ào ào, một tiếng đồng hồ trôi qua, tắt máy. Tất cả tốt, an toàn, đúng khớp với các dữ liệu đã tính toán. Thành công rồi? Mìn trên lèn Vĩnh Tuy nổ vang như hòa vào niềm vui với gã Liệu, gã chảy nước mắt nhìn vợ. Cuộc đời bây giờ bước sang một trang mới.
Cái máy đầu tiên ấy gã bán cho anh Lam Hiền giá 7,2 triệu đồng, chỉ sau ít ngày giới khai thác đá lèn Vĩnh Tuy tới tấp đến đặt hàng. Vợ chồng gã lăn ra làm và tin vui nối tiếp tin vui. Lúc này công cuộc xây dựng đường Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn rầm rộ và việc mở đường lên vùng cửa khẩu (Hà Tĩnh) cũng vào lúc đỉnh điểm.
Hay tin, người ta cử người về tận công xưởng của gã Liệu để được "hầu chuyện" nhà sáng chế, còn gã thì kinh ngạc khi thấy xe con của công ty cầu đường và cả xe Quân đội nữa tìm đến lò rèn của gã. Người ta trân trọng bắt tay gã mong muốn mời gã hợp tác, bởi lẽ cái máy xay đá của gã (do mấy tay thầu máy đem vào làm thử ở Quảng Bình) đã vượt qua được "cửa tử” đá ở một số vùng trên cung đường của vùng núi Trường Sơn vừa cứng vừa trơn, máy ngoài bắc vào chạm mặt loại đá này chỉ có khóc, còn máy của gã vào là nhai tuốt tuồn tuột.
Được lời như cởi tấm lòng. Gã dốc toàn lực huy động vợ con anh em ngày đêm nổi lửa thi công. Kết quả trên một trăm cỗ máy ra đời, trong một thời gian ngắn. Mỗi cỗ máy nhỏ bán ra 7,2 triệu đồng, máy vừa 12 triệu đồng và máy lớn 18 triệu đồng. Trừ tiền vật tư, công xá gã lãi trên ba trăm triệu đồng. Nhưng điều quan trọng là nhờ số lượng máy xay đá của gã, tốc độ xây dựng các tuyến đường trên thêm phần nhanh lên.
Với tư duy kinh tế rộng mở, ngay lập tức Liệu mua đất, quay sang kinh doanh hàng tạp hóa, đồ điện, bếp ga... và tiếp tục gò hàn cho đến thời điểm này cơ ngơi của gã đáng giá tiền tỷ. Liệu đã làm rạng danh một thế hệ trẻ năng động trên vùng chiêm trũng.
Khi tôi hỏi đến chuyện bản quyền "sáng tạo lại" máy xay đá, Liệu chỉ cười đưa tay gãi đầu. Gã bảo tôi: "Ông đừng viết, người ta cười tui, tui mới học hết có bậc cơ sở mà sáng tạo chi mô, đó là tui cải tiến cho tiện đó thôi! Mà răng các ông cứ hay làm to chuyện... Ông mà viết lên thì rầy (thẹn) lắm".