Các nhà khoa học Mỹ ngày 3/1 đã công bố nghiên cứu trên xương cốt thời Trung cổ tìm được tại Albania, cho thấy một số dấu vết của căn bệnh lây lan trong thời hiện đại, gây đau đớn cho những người ăn đồ bơ sữa chưa được tiệt trùng.
Các phát hiện được tung ra trên tờ "American Journal of Physical Anthropology". Đây là những nghiên cứu đầu tiên gợi ý rằng căn bệnh được biết với cái tên khoa học Brucellosis, đã có ở Albania tối thiểu là từ thời Trung cổ.
Vốn là một căn bệnh trên động vật, brucellosis phổ biến ở các vùng nông thôn chăn nuôi tại Địa Trung Hải và thường lây cho người thông qua việc ăn pho-mát cừu và dê sống và làm từ sữa của các con vật bị nhiễm bệnh.
Căn bệnh có thể gây ra các triệu chứng tương tự như cúm, bao gồm sốt, mệt mỏi và sụt cân, theo tài liệu của WHO. Nó còn gây ra những tổn thương tới xương, mà trong trường hợp này, ban đầu các nhà khoa học đã nhầm với bệnh lao.
Những mẩu xương được tìm thấy tại thành phố cổ xưa Butrint của Albania, một thời là thuộc địa của người Roma và tiền đồn của đế chế La Mã rồi bị bỏ hoang vào thời Trung cổ do lũ lụt trên diện rộng.
Hai bộ xương, được cho là thuộc về nam thiếu niên từ thế kỉ 10 tới 13, cũng đem lại những phát hiện quý giá về giải phẫu học ở phần đốt sống.
Các nhà nghiên cứu tại đại học bang Michigan (Mỹ) thuộc nhóm các nhà khảo cổ quốc tế tham gia khai quật tại vùng đất này đã sử dụng những công nghệ đặc biệt để phân tích các mảnh xương thông qua công nghệ pháp y về DNA mới nhất.
Họ gửi các mẫu thí nghiệm về phòng nghiên cứu DNA của trường tại Đông Lansing, Michigan, nhưng các kết quả về bệnh lao là âm tính.
Vì vậy họ đã thử một cuộc kiểm tra mới cho Brucellosis, dựa trên giả thuyết rằng cả hai căn bệnh đều được tạo ra bởi tổn thương tới xương như nhau, và lần này kết quả là dương tính.
“Trong trường hợp này thì đây là kết quả của sự tò mò, kiên trì và dĩ nhiên là cùng hợp tác”, David Foran, giám đốc chương trình Nghiên cứu khoa học của đại học bang Michigan, cho biết trong một thông cáo trên trang web của trường.
“Thật tuyệt khi khám phá được một điều mới lạ trong một thứ đã tồn tại cả nghìn năm".