Theo khảo sát 100% người Hà Nội được hỏi vẫn sử dụng túi nilon trong sinh hoạt hàng ngày, nhiều người khác hoàn toàn không biết về tác hại về loại túi này.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai chương trình "Hạn chế sử dụng túi nilon vì môi trường". Từ năm 2009 -2013, chương trình đã đạt nhiều kết quả và việc hạn chế sử dụng túi nilon đang dần trở thành thói quen với nhiều người Thủ đô. Tại các siêu thị hay trung tâm thương mại, túi nilon đã dần được thay thế bằng các loại túi thân thiện với môi trường.
Nhiều người Hà Nội vẫn còn thói quen sử dụng túi nilon khi đi chợ, hay mua sắm. (Ảnh minh họa: PV)
Tuy nhiên theo khảo sát vẫn còn 3% trong số 5.000 người được hỏi hoàn toàn không biết về tác hại của túi nilon, 100% số người được hỏi vẫn sử dụng loại túi này trong sinh hoạt hàng ngày.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo Sở Tài nguyên Hà Nội là do kinh phí tuyên truyền còn hạn hẹp nên mới tổ chức thực hiện ở nhóm đối tượng.
Theo các chuyên gia môi trường, vòng đời của túi nilon dài đến hàng nghìn năm. Vứt bỏ một túi nilon chỉ mất chưa đến một giây, nhưng để nó phân hủy một cách tự nhiên phải cần đến 500 đến 1.000 năm. Túi nilon khi đựng thực phẩm sẽ làm ô nhiễm vì chứa các kim loại như chì, gây tác hại cho não và gây ung thư phổi, dị tật bẩm sinh cho trẻ sơ sinh. Xử lý túi nilon bằng phương pháp đốt không được đánh giá cao vì túi nilon chứa 2 chất PE và PP, khi đốt sẽ tạo thành khí cacbonic, mê tan và khí dioxin rất độc.