Không phải Vodka, trà mới là thức uống được người Nga yêu thích nhất. Họ pha trà bằng nét truyền thống lẫn một chút phá cách. Vậy nên, tách trà Nga vừa tinh tế theo kiểu phương Đông, đồng thời cũng sành điệu “chuẩn Tây Âu”.
Bạn có thể sẽ nghĩ: "Mọi người Nga đều uống vodka". Nhưng sự thật là rất nhiều người Nga còn không dùng bia rượu chứ nói gì đến loại cồn mạnh như vodka.
Trong khi đó, trang Russia Beyond cho biết ở một khảo sát năm 2014, 94% người dân Nga có thói quen uống trà.
Thậm chí đại văn hào Lev Tolstoy từng ca ngợi trà không tiếc lời: "Tôi uống trà rất nhiều, không thể làm việc mà thiếu nó. Uống trà giúp đánh thức những cơ hội đang còn mơ màng trong tâm trí tôi".
Bức họa Lev Tolstoy bên vợ mình, trên bàn là rất nhiều sách và một tách trà.
Thoạt nghe thì bạn thấy đầy triết lí đúng không? Nhưng chuyện uống trà ở Nga còn có nhiều khía cạnh rất đỗi bình dị nữa cơ.
1. Trà - thức uống quốc dân
Cũng giống như nhiều nền văn hóa khác, chuyện uống trà ở Nga bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng chính xác vào thời gian nào thì còn nhiều tranh cãi.
Vào năm 1654, trà đã khá phổ biến ở Nga.
Tuy vậy, theo học giả Dmitry Prozorovsky, vào khoảng năm 1654 trà đã khá phổ biến ở Nga, được ví như "một nhu cầu cần thiết của xã hội hiện đại".
Một học giả khác viết rằng: "Đến giữa thế kỉ 19, từ tầng lớp tinh túy nhất đến người nghèo khổ nhất, ai nấy đều uống trà".
2. Trà chanh đã có từ rất lâu
Cụ thể là trà chanh có vào thế kỉ 18, và nó bắt nguồn từ các trạm đưa thư. Khi đó, những anh bưu tá giao thư bằng cách đi ngựa.
Trà chanh đã xuất hiện ở Nga từ lâu rồi nhé.
Nhưng do đường sá rất xấu, biến công việc chuyển thư trở nên đầy khó khăn, mệt nhọc. May mắn thay, ai đó đã nghĩ ra món trà chanh.
Thức uống này có vị chua giúp bổ sung vitamin C, tăng sức đề kháng, lại vừa ủ ấm cho cơ thể giữa tiết trời xứ bạch dương giá lạnh.
3. Trà sữa à? Cũng ổn đấy, nhưng đặc biệt nhất là...
"Tửu trà" - tức là ly trà với "topping" là một chút cồn như rượu cognac, "rượu nhà làm" hay thậm chí rượu rum.
Thử nghĩ mà xem: Trà để cho tỉnh, rượu để cho say, vậy món "tửu trà" của nước Nga uống vào thì sẽ ra sao nhỉ?
...cũng giống như người Á Đông và người Anh, thưởng trà gắn với đàm đạo
Nghĩa là người uống trà thường nán lại lâu chứ không hề vội vã. Ngày nay, các quán trà vẫn là nơi diễn ra cuộc đàm phán thương trường hay gặp gỡ đối tác của người Nga.
Tea house – những quán trà sang trọng ở Nga.
Mặt khác, các tiệc trà thân mật cũng có thể kéo dài đến 3 tiếng đồng hồ.
4. Khi được mời đến tiệc trà, hãy mang theo chút quà ngọt
Tiệc trà ở Nga không chỉ có trà mà còn bao gồm kẹo, chocolate, mật ong, mứt, bánh nướng và nhiều món khác.
Hãy mang theo chút quà ngọt nếu được mời đến dùng trà.
Và nếu bạn được người Nga mời đến nhà dùng trà, hãy nhớ mang theo chút quà ngọt, bất kể thứ gì cũng được. Điều đó sẽ thể hiện sự lịch sự và làm mát lòng gia chủ.
5. Ấm đun và cốc uống trà kiểu Nga
Samovar - ấm đun trà kiểu Nga - cũng là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất đất nước. Nhưng thực ra loại ấm đun này đến từ Hà Lan, du nhập vào Nga ở thế kỉ 17.
Ấm samovar.
Cũng trong thế kỉ 17, người Nga bắt đầu uống trà bằng cốc thủy tinh, nhưng đặt trong một vật dụng có tay cầm bằng gỗ (sau này bằng kim loại) để tránh bỏng tay.
Ngoài ra, vào thế kỉ 18, nền công nghiệp sản xuất gốm rất phát triển ở Tây Âu, dẫn đầu là Anh và Đức.
Sau đó Nga cũng hòa nhịp vào nền sản xuất mới này với thương hiệu nổi tiếng Imperial Porcelain. Đến nay, những đồ gốm sứ mỏng, trong suốt, cổ điển dành riêng cho việc thưởng trà của Imperial Porcelain vẫn được người dân Nga yêu thích.