Người Maya xây kim tự tháp 1.500 năm từ đá núi lửa

Chỉ vài chục năm sau vụ phun trào lịch sử, người Maya quay lại xây kim tự tháp bằng chính những vật liệu phun ra từ núi lửa.

Các nhà khoa học phát hiện người Maya xây kim tự tháp Campana từ những mảnh đá núi lửa văng ra trong một vụ phun trào mạnh đến mức làm nguội Trái đất, Live Science hôm 21/9 đưa tin.


Kim tự tháp Campana do người Maya xây dựng cách đây khoảng 1.500 năm. (Ảnh: Akira Ichikawa)

Khoảng năm 539, tại khu vực ngày nay là San Andrés, El Salvador, miệng núi lửa Ilopango phun trào. Vụ phun trào có tên Tierra Blanca Joven (TBJ) và được coi là sự kiện núi lửa lớn nhất Trung Mỹ trong 10.000 năm qua. Ngọn núi tạo ra những dòng dung nham dài hàng chục km, phun lượng tro bụi khổng lồ lên khí quyển Trung Mỹ khiến khí hậu Bắc Bán cầu lạnh đi. Do sức mạnh hủy diệt của núi lửa, các nhà khoa học từng cho rằng nhiều khu định cư của người Maya trong vùng có thể bị bỏ hoang hàng thế kỷ.

Tuy nhiên, theo phân tích mới về kim tự tháp Campana của Akira Ichikawa, nhà khảo cổ tại Khoa Nhân chủng học thuộc Đại học Colorado Boulder (UCB), người Maya đã quay trở lại sớm hơn nhiều và xây công trình này chỉ vài chục năm sau vụ phun trào.

Phân tích mới cũng hé lộ, thợ xây Maya đã kết hợp các khối đá và đất với mạt vụn núi lửa (tephra) - những mẩu đá và mảnh vụn khác do núi lửa phun ra. Đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy người Maya dùng mạt vụn núi lửa để xây kim tự tháp. Điều này có thể phản ánh ý nghĩa tâm linh của núi lửa trong văn hóa Maya, theo Ichikawa.

Kim tự tháp Campana cao khoảng 13m và nằm cách núi lửa 40km. Nó được xây trên đỉnh của một bệ cao 6m, dài 80m và rộng 55m. Bệ này cũng có 4 bậc thềm rộng và một cầu thang lớn ở trung tâm. Đây là công trình công cộng đầu tiên mọc lên ở San Andrés sau vụ phun trào TBJ.

Ichikawa sử dụng các mẫu carbon lấy từ nhiều vật liệu xây dựng khác nhau trong kim tự tháp và xác định chúng có niên đại từ năm 545 đến năm 570. Điều này cho thấy người Maya đã quay trở lại và bắt đầu xây kim tự tháp sớm hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây của các nhà khoa học. Số lượng mạt vụn núi lửa trong kim tự tháp cũng rất đáng ngạc nhiên, Ichikawa nhận xét.

Các nhà khoa học từng phát hiện mạt vụn núi lửa trong một con đường trắng (sacbe) của người Maya tại Cerén. Tuy nhiên, Campana là kim tự tháp Maya đầu tiên được phát hiện dùng vật liệu này. Với con đường ở Cerén, có thể người xưa cho rằng mạt vụn núi lửa dạng tro trắng mang ý nghĩa tôn giáo hoặc vũ trụ lớn lao vì có nguồn gốc núi lửa. Với kim tự tháp Campana, vật liệu này cũng có thể mang tầm quan trọng tương tự.

Cập nhật: 23/09/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video