Người mắc chứng Blue Cone thì chỉ nhìn mọi vật dưới màu xanh, còn nếu mù màu xanh bạn không thể phân biệt xanh dương và xanh lá cây với màu vàng hoặc tím.
Theo Medical Daily, trong khi hầu hết chúng ta nhìn thế giới rực rỡ đầy màu sắc, một số người lại không như vậy. Bệnh mù màu khiến cảnh vật xung quanh họ ảm đạm hơn song không có nghĩa chỉ toàn màu trắng đen. Nhóm nhà nghiên cứu thuộc Bệnh viện Compare London (Anh) đã tạo nên các bức ảnh so sánh sự khác biệt giữa mắt người bình thường và người mù màu nhằm giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về bệnh khiếm khuyết thị giác.
Blue Cone Monochromacy (đơn sắc xanh)
Blue Cone Monochromacy là bệnh di truyền hiếm gặp ở võng mạc, hầu như chỉ ảnh hưởng đến nam giới. Khả năng phân biệt màu sắc của người bị Blue Cone Monochromacy suy yếu nghiêm trọng ngay từ lúc mới sinh. Họ nhìn mọi vật đều ngả sang xanh.
So sánh màu sắc trong mắt người bình thường và mắt người bị Blue Cone Monochromacy.
Tritanopia (mù màu xanh dương)
Người bị Tritanopia rất khó phân biệt xanh dương với xanh lá cây hoặc vàng với tím. Tuy vậy, họ ít khi gặp vấn đề trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như lúc nhìn đèn giao thông. Khác với các chứng mù màu còn lại, tỷ lệ mắc Tritanopia ở nam và nữ là như nhau.
So sánh màu sắc trong mắt người bình thường và mắt người bị Tritanopia.
Deuteranopia (mù màu xanh lá)
Deuteranopia là một trong những dạng mù màu phổ biến nhất. Các tế bào hình nón nhạy cảm với màu xanh lá bị mất khiến bạn chỉ phân biệt được 2-3 màu sắc khác nhau.
So sánh màu sắc trong mắt người bình thường và mắt người bị Deuteranopia.
Protanopia (mù màu đỏ)
Những người bị Protanopia ít nhạy cảm hơn với ánh sáng đỏ. Họ rất khó khăn khi phân biệt giữa xanh dương và đỏ hoặc xanh lá và đỏ do mất hoàn toàn tế bào hình nón cảm nhận màu đỏ.
So sánh màu sắc trong mắt người bình thường và mắt người bị Protanopia.
Achromatopsia (mù màu hoàn toàn)
Achromatopsia là tình trạng đặc trưng bởi sự mất đi một phần hoặc toàn bộ khả năng nhìn màu sắc. Người mắc Achromatopsia toàn phần không thấy gì khác ngoài màu đen, trắng cùng một số tông màu xám. Trong trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể phân biệt được vài màu sắc song rất hạn chế.
So sánh màu sắc trong mắt người bình thường và mắt người bị Achromatopsia.