Người ngoài hành tinh có thể dùng tia vũ trụ làm thức ăn

Nghiên cứu mới của nhà khoa học Mỹ chỉ ra nếu tồn tại ở những hành tinh như sao Hỏa, sinh vật ngoài hành tinh có thể sống bằng năng lượng từ tia vũ trụ.

Nhũng tổ chức sinh vật sống dựa vào tia vũ trụ có thể phát triển tốt trên những hành tinh trôi nổi trong không gian liên thiên hà và không quay quanh ngôi sao nào, nhà nghiên cứu Dimitra Atri ở Viện Khoa học Vũ trụ Blue Marble tại Seattle, Mỹ, kết luận trong báo cáo công bố hôm 5/10 trên tạp chí Royal Society Interface.

"Khi phóng xạ xuyên tới tầng nước có thể tồn tại bên dưới bề mặt sao Hỏa hoặc mặt trăng Europa của sao Mộc, nó sẽ kích hoạt những phản ứng hóa học mà sinh vật sống có thể sử dụng", Live Science dẫn lời Atri.

Sự sống trên Trái Đất dựa phần lớn vào năng lượng từ Mặt Trời. Ánh sáng thúc đẩy phản ứng quang hợp, trực tiếp hoặc gián tiếp cung cấp dưỡng chất cho phần lớn các tổ chức sinh vật tồn tại. Tuy nhiên, nếu không có ánh sáng, sinh vật sống có thể tìm kiếm những nguồn năng lượng khác như nhiệt, năng lượng hóa học và thậm chí phóng xạ ion hóa.


Tia vũ trụ có thể nuôi dưỡng sự sống trên Trái Đất cũng như các hành tinh khác. (Ảnh: NSF / J. Yang).

Ví dụ, vi khuẩn Candidatus Desulforudis audaxviator tìm thấy ở độ sâu 2,8km bên dưới một mỏ vàng ở Nam Phi, sống nhờ năng lượng từ đồng vị phóng xạ của urani, thori và kali trong đất đá. Phóng xạ ion hóa từ những đồng vị này phân giải nước trong khu vực thành khí hydro, cho phép vi khuẩn sử dụng làm nhiên liệu để sản xuất các phân tử hữu ích khác.

"Hầu hết nghiên cứu về phóng xạ ion hóa liên quan đến những ảnh hưởng gây hại tiềm tàng như hủy hoại ADN", Atri nói. "Nhưng vi khuẩn sống tách biệt hoàn toàn với ánh sáng Mặt Trời và sinh quyển có thể sống sót nhờ phóng xạ ion hóa".

Atri nghiên cứu tia vũ trụ trong ngân hà, bao gồm các hạt mang năng lượng cao như proton, xuyên qua không gian từ ngoài hệ Mặt Trời. Sau khi tìm hiểu về Ca. D. audaxviator, Atri băn khoăn liệu các vi khuẩn khác có thể sinh tồn nhờ năng lượng từ tia vũ trụ hay không.

Tia vũ trụ sở hữu năng lượng cao hơn nhiều so với nguồn phóng xạ trên Trái Đất. Khi chiếu vào khí quyển hoặc bề mặt hành tinh, chúng phát ra một loạt hạt như electron, positron và neutron cùng với tia gamma nguy hiểm. "Tia vũ trụ có ở khắp mọi nơi, và chúng chứa rất nhiều năng lượng, thậm chí có thể xuyên qua bên dưới bề mặt hành tinh", Atri cho biết.

Sử dụng mô phỏng trên máy tính, Atri phát hiện tia vũ trụ có thể cung cấp nguồn năng lượng ổn định cho sự sống dưới lòng đất. Năng lượng này khá giống với nguồn sản sinh từ các chất phóng xạ trên Trái Đất. Dòng năng lượng cũng có thể nuôi sống các dạng sống tiềm năng khác.

Atri đang lên kế hoạch để vi khuẩn Ca. D. audaxviator tiếp xúc với những hạt sinh ra từ tia vũ trụ trong phòng thí nghiệm để chứng minh giả thuyết của mình.

Cập nhật: 26/12/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video