Người sống thực vật vẫn có thể viết sách và đàm thoại

Mặc dù sống trong trạng thái thực vật 6 tháng, nhưng bằng những cái nháy mắt trái yếu ớt, ông Jean-Dominique Bauby vẫn tỉnh táo, thả hồn cho ra đời cuốn hồi ký “The Diving Bell and the Butterfly” (Chiếc áo lặn và con bướm). Với cách viết kỳ lạ và nhọc công ròng rã suốt 2 tháng, mất hơn 200.000 lần nháy mắt, mỗi từ tốn khoảng 2 phút để viết, Bauby đã cho ra đời một cuốn sách gây xúc động mạnh mẽ trên toàn thế giới. J.D.Bauby là nhân chứng sống đầu tiên về bí mật trong tiềm thức của người mà coi như đã “chết”.

Tâm hồn sống trong vỏ bọc “chết”

Jean-Dominique Bauby, 43 tuổi, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Elle - một tờ tạp chí phụ nữ nổi tiếng trên toàn thế giới được phát hành trên hàng chục quốc gia, là một người giàu có, thành đạt, giọng nói lúc nào cũng mang âm hưởng sang sảng. Không ai có thể nghĩ rằng một ngày nào đó đôi chân ấy bị chôn chặt trên giường bệnh, khối óc ấy bị tắc nghẽn, và tiếng nói ấy không thể cất lên. Ngày 8/12/1995, một cơn tai biến mạch máu não đã khiến Jean-Dominique Bauby chìm vào cơn hôn mê sâu và trở thành tàn phế khi tuổi đời mới 43. Bauby bị liệt toàn thân và mất khả năng ngôn ngữ. Mọi hoạt động của cơ thể dù đơn giản nhất như ăn và thở cũng cần tới sự trợ giúp của máy móc.

Bệnh của ông Bauby, còn gọi là hội chứng bị nhốt trong tiềm thức hay “Locked-in syndrome”, là một dạng tai biến tắc nghẽn mạch máu rất hiếm. Tuy nhiên, trong 1.200 ca tắc nghẽn mạch máu não ở bệnh viện mà Bauby đang nằm, chỉ duy nhất có ông là trường hợp có một biểu hiện khác biệt. Mắt trái của ông vẫn còn chuyển động được, dù yếu ớt. Nhưng vì nơi bị hư hại tập trung ngay dưới vùng não có khả năng tri thức, nên người này vẫn còn ý thức được điều mình suy nghĩ, nghe được rõ ràng và thấy được bình thường. Để ý đến chuyển động mắt của họ mới tin là nạn nhân không bị hôn mê và còn tỉnh táo.

Và chính con mắt cuối cùng còn cử động ấy cùng với bộ óc tự do đã trở thành sợi dây liên hệ, nối ông với cuộc sống và những người xung quanh. Ông đã dùng đôi mắt và bộ óc bay lượn như một con bướm trong cuộc hành trình tìm về miền kí ức của riêng mình.

Tác phẩm công phu và rất độc, lạ

“The Diving Bell and the Butterfly” (Chiếc áo lặn và con bướm) được viết theo một cách viết lạ, độc. Từng từ, cụm từ, câu văn, từng trang sách được hình thành bằng cách ghép từ qua những lần chớp mắt. Nữ y tá Claude Mendibil do Nhà xuất bản Robert Laffont cử tới, làm trợ lý cho Bauby từ những ngày bắt đầu cho đến khi cuốn hồi ký này được hoàn thành. Với một hàng các chữ cái được sắp theo thứ tự ưu tiên E-S-A-R-I-N-T-U-L-O-M-D-P-C-F-B-V-H-G-J-Q-X-Y-X-K-W, Claude Mendibil sẽ chỉ lần lượt các chữ cái trong bảng này. Nếu đồng ý chữ cái nào, Jean-Do Bauby nháy mắt một lần để nói “đúng”, 2 cái để nói “sai” và chữ cái đó sẽ được Claude Mendibil ghi ra. Cứ như vậy, các chữ cái được sắp thành từ, thành câu, thành đoạn và cuối cùng thành sách. Cách viết kỳ lạ và nhọc công ròng rã suốt hai tháng (7-8/1996), phải mất hơn 200.000 lần nháy mắt và mỗi từ tốn khoảng hai phút để viết, đã cho ra đời một cuốn sách với 132 trang gây xúc động mạnh mẽ trên toàn thế giới.

Cuốn sách vẽ lại chân dung của chính ông Bauby trong những ngày nằm tê liệt ở bệnh viện, trong những ký ức của ngày hôm qua sống phóng khoáng và cả những trang đầy tiếc nuối khi không thể nhìn con mình lớn lên, không thể ôm chúng vào lòng như những người cha khác... Phần lớn câu chuyện trong sách là nói đến sự luyến tiếc cuộc sống, so sánh và tủi hổ thân phận mình với con cóc hoạt hình mà tác giả thấy trên tivi, tưởng tượng mình là nhân vật Noirtier de Villefort trong tác phẩm Bá tước Monte Cristo của A. Dumas. Rồi ông ví mình như một người bị mắc kẹt trong chiếc áo bơi nặng trịch, không thể động cựa được dưới đáy nước sâu. Nhưng, chính văn chương, chính những ngày ông được “sống” với mí mắt chớp lên xuống đã thật sự cứu rỗi linh hồn ông, khiến nó thoát xác và trở thành cánh bướm tự do.

“The Diving Bell and the Butterfly” hay chính là những ý nghĩ của Bauby đã làm người đọc hoàn toàn bất ngờ, cảm phục. Trong hoàn cảnh bệnh tật, ông vẫn có thể hài hước và lạc quan. Ở đó còn có một tinh thần luôn biết yêu thương và trân trọng cuộc sống của bản thân. Tình yêu cuộc sống với Bauby được thể hiện qua một thứ: mùi khoai tây khét. Bauby đã vượt qua một chặng đường “trời nắng như đổ lửa” trên xe lăn, đi qua “ba bãi đỗ xe trải nhựa sần sùi khiến mông phải trải qua thử thách đến là gian khổ”. Đích đến của thử thách ấy là được ngồi im đầu ngọn gió, hít thở mùi mà với đa số mọi người cực kỳ khó chịu, và “hít mãi không chán cái mùi khoai tây rán ấy”.

Sau khi “The Diving Bell and the Butterfly” (theo tiếng Pháp là Le Scaphandre et le Papillon) xuất bản được 2 ngày tại Pháp , J.D.Bauby qua đời. Cuốn hồi ký đã tạo nên một cơn chấn động cả nước Pháp về nghị lực phi thường của người viết và trở thành sách bán chạy nhất châu Âu năm 1997, được dịch và phát hành trên 30 nước toàn thế giới. Ở Việt Nam, cuốn hồi ký The Diving Bell and the Butterfly được Nhà sách Thái Hà và NXB Lao động - Xã hội dịch, ấn hành năm 2010.

Tháng 5/1997, chỉ 2 tháng sau khi cuốn sách ra đời, bộ phim được chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của đạo diễn Julian Schnabel đã được công chiếu, và liên tiếp nhận được hơn 41 giải thưởng quốc tế: giải Đạo diễn xuất sắc nhất (Liên hoan phim Cannes 2007, Giải thưởng Quả cầu vàng 2008), giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho diễn viên Mathieu Amalric thủ vai Jean-Dominique (giải Cesar 2008), đặc biệt là giải Phim nước ngoài hay nhất (Giải thưởng Quả cầu vàng 2008).

Bí mật tiềm thức người thực vật

Nhiều người cho rằng, người sống thực vật như người đã chết và không còn ý thức, nhưng sự thật không phải như vậy. J.D.Bauby chính là nhân chứng sống đầu tiên về bí mật trong tiềm thức của người mà coi như đã “chết”.

Trong một nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Adrian Owen của Đại học Cambridge (Anh) lần đầu tiên đã chứng minh được rằng, một số nạn nhân sống trong tình trạng thực vật không chỉ có thể biết được những người xung quanh nói gì mà còn có khả năng trả lời những câu hỏi đơn giản. Trong một thí nghiệm, Tiến sĩ Owen dùng máy chụp ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI) trên một bệnh nhân, ông đã ghi nhận được tín hiệu từ não của một bệnh nhân, kết quả cho thấy người này có thể trả lời “có” hoặc “không” đối với một loạt câu hỏi.

Với sự phát triển của công nghệ tiên tiến, giới khoa học đang chuẩn bị chờ đón một đột phá mới có thể giúp những bệnh nhân đang sống đời sống thực vật có thể đàm thoại hàng ngày thông qua máy phát giọng nói dựa trên những thông tin từ bộ não của họ, thậm chí còn có thể di chuyển xung quanh bằng cách điều khiển xe lăn.

Theo suy đoán của các chuyên gia Anh, các thiết bị mới trợ giúp người sống thực vật có thể ra đời trong vòng 10 năm nữa. Các phát hiện của Tiến sĩ Owen cho thấy có 1 trong 5 bệnh nhân sống thực vật tại Anh có thể truyền đạt thông tin và đồng thời đưa ra câu hỏi về thời điểm các bác sĩ nên tắt những hệ thống máy hỗ trợ sự sống cho họ. Có đến 1.000 bệnh nhân lâm vào trạng thái thực vật đang được duy trì sự sống với hy vọng một ngày nào đó họ sẽ “thức dậy”.

Từ sau tấm riđô bằng vải bị con bọ cắn là thứ ánh sáng màu sữa báo hiệu ngày mới đang đến gần. Đầu gối tôi đau nhức, đầu cứng ngắc và thứ gì đó như thể áo lặn siết chặt lấy toàn bộ cơ thể. Căn phòng từ từ ra khỏi bóng tối nhập nhoạng. Tôi nhìn thật kĩ các tấm ảnh của người thân, tranh các con vẽ, hình vận động viên đua xe đạp nhỏ bằng sắt màu bạc một người bạn gửi tặng vào trước ngày bắt đầu giải xe đạp đua Paris-Roubaix và cái giá treo hình chữ T đang chìa ra bên trên chiếc giường nơi tôi bị đóng cứng vào từ suốt 6 tháng nay như một con ốc mượn hồn nằm trong vỏ... (Trích đoạn cuốn “The Diving Bell and the Butterfly” của tác giả Jean Dominique Bauby).

Theo ANTĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video