Trong một báo cáo mới đây đăng trên tạp chí BioScience, các nhà khoa học cho biết, việc khai thác quá mức nguồn cá nước ngọt đang đe doạ sự đa dạng sinh học trong các sông hồ trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp thực phẩm và công ăn việc làm ở các nước đang phát triển.
Trong số các sông hồ được nhắc tới trong báo cáo có sông Mê Kông. Đây là nơi sinh sống của cá trê Mê Kông khổng lồ - loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới (có trọng lượng lên tới 300kg, chiều dài 2,7m), và nhiều loại cá lớn khác đang bị đe doạ tuyệt chủng.
Một số loài thuỷ sản khác cũng đang gặp nguy hiểm là cá tuyết Murray ở lưu vực sông Murray (Australia) và cá tầm ở Great Lakes (Bắc Mỹ).
Việc khai thác cá tại các sông hồ trên thế giới đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 1950. Hiện nay sản lượng khai thác cá nước ngọt hàng năm khoảng 8,7 triệu tấn, trong đó 2/3 được đánh bắt ở Châu Á.
Riêng lưu vực sông Mê Kông, lượng cá tiêu thụ trung bình hàng năm là 56kg/người. Trong số những loài cá bị đánh bắt nhiều, có cả các loại cá lớn nhất và hiếm nhất thế giới như cá trê Mê Kông khổng lồ, cá bơn nước ngọt đuôi dài và cá gai.
Zeb Hogan - nhà nghiên cứu cá tại ĐH Wiscosin, Madison (Mỹ), đồng thời là nhà nghiên cứu hàng đầu của Hội Địa lý Quốc gia Mỹ - cho biết, trong những năm gần đây cơ hội bắt được cá trê Mê Kông giảm đi trông thấy, từ 60 con năm 1995 xuống chỉ còn 4 con năm 2005. Ông tỏ ý lo ngại rằng chỉ trong một thời gian ngắn nữa giống cá trê này sẽ chỉ còn là huyền thoại.
Báo cáo cũng cho biết, con người đã dùng nhiều phương tiện để đánh bắt các loại cá có kích cỡ khác nhau. Bắt đầu từ loại lớn nhất rồi dần chuyển sang các loài nhỏ hơn dẫn đến sự suy kiệt các loài thuỷ sản.
"Cá lớn là nguồn duy trì nòi giống - David Allan, Giáo sư Bảo tồn sinh học tại ĐH Michigan, một trong những tác giả của báo cáo, nói - Khả năng sinh sản tăng lên khi kích thước cá tăng, do vậy các con cái lớn là đặc biệt quan trọng cho sự tồn tại của giống loài".
Và khi các loài cá lớn ngày càng trở nên hiếm hơn, thì đến lượt các loại cá nhỏ "lên ngôi". Sông Queme tại Benin, Tây Phi đã chứng kiến loài cá ăn thịt lớn như cá pecca sông Nile bị các loài cá nhỏ như cá cichlid và cá trê thay thế.
Theo các nhà nghiên cứu, nguồn cá suy kiệt có thể gây ra những tác động nghiêm trọng cho sức khoẻ của con người, nhất là ở các nước đang phát triển.
Ví dụ, sự gia tăng tỉ lệ mắc bệnh sán máng ở Châu Phi liên quan tới sự suy giảm các loài cá ăn các con ốc mang sán gây bệnh. Hơn nữa, đối với hàng chục triệu cư dân nghèo của Châu Á và Châu Phi thì cá nước ngọt là một trong những nguồn sống quan trọng.
Chính vì vậy, việc bảo tồn nguồn tài nguyên này là vô cùng quan trọng đối với sự sinh tồn của người nghèo.