Trong thời đại khoa học hiện đại như ngày nay, không ít những điều mê tín lạ lùng vẫn còn tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Những điều mê tín này từ lâu đã ngự trị trong trí tưởng tượng của con người, dệt nên những sợi dây sợ hãi và mê hoặc vào lịch sử nhân loại.
Sự thật về những điều mê tín trên thế giới
Nhiều điều mê tín cổ xưa đã ăn sâu vào tâm lý con người đến nỗi hiện nay dù không còn tin nhưng vẫn vô thức làm theo. Mặc dù, nguồn gốc của những điều mê tín này thú vị, dựa trên những câu chuyện dân gian siêu nhiên, thậm chí, người ta còn tìm một lý do thực tế thuyết phục để minh chứng cho niềm tin của họ. Cùng điểm qua một số điều mê tín cổ xưa rùng rợn nhất trong lịch sử cổ đại và xem thử chúng đến từ đâu.
1. Con mắt đen đủi
Do một mê tín cổ xưa, “con mắt” màu xanh và trắng thường được sử dụng ở cả Hy Lạp và Ai Cập để xua đuổi tác động của con mắt quỷ. (Ảnh: Adobe Stock).
Một trong những mê tín cổ xưa phổ biến nhất trên thế giới có lẽ là về con mắt ác. Bắt nguồn sâu xa từ lịch sử loài người, với nguồn gốc kéo dài hơn 3.000 năm, đây là niềm tin rằng những ánh mắt ác ý có thể mang lại tổn hại và bất hạnh cho những nạn nhân không cảnh giác.
Sự mê tín về mắt ác có thể được tìm thấy ở nhiều nền văn hóa, nhưng dấu vết sớm nhất về nó có thể được nhìn thấy ở Lưỡng Hà cổ đại. Những tấm đất sét từ thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên đã được khai quật không chỉ là bằng chứng về niềm tin vào con mắt quỷ dữ mà còn cho thấy những câu thần chú mà người Lưỡng Hà sử dụng để xua đuổi điềm xui xẻo.
Ở thời đế chế La Mã, người ta còn tạo ra một loại bùa hộ mệnh có hình con mắt với mong muốn chế ngự được điều ác trong con người. Niềm tin đó cũng nhanh chóng lan truyền trong giới Hồi giáo, nơi con mắt được gọi là Nazar và ở Ấn Độ là Buri Nazar.
Những con mắt này thường có màu xanh và trắng. Đến nay, loại bùa mắt này vẫn còn phổ biến ở Hy Lạp và Ai Cập. Người ta vẫn dùng để trang trí nhà cửa hoặc đeo như một món trang sức với hy vọng xua đuổi tác động tiêu cực của con mắt ác.
2. Kiêng đi dưới thang
Người Ai Cập thời cổ đại kiêng kỵ đi dưới một chiếc thang. Bởi họ quan niệm rằng, khi thang dựng lên, dựa vào tường sẽ tạo thành một hình tam giác, trở thành một trong những biểu tượng thiêng liêng nhất của người Ai Cập (giống như kim tự tháp). Nếu con người đi dưới chiếc thang thì sẽ phá vỡ biểu tượng và xúc phạm các vị thần. Quan niệm mê tín kỳ lạ này khiến nhiều người bất ngờ.
Người Ai Cập kiêng đi dưới một chiếc thang. (Ảnh: Getty Image).
Sự mê tín này đã có từ rất lâu đời và liên quan đến nhiều yếu tố tâm linh. Người xưa cho rằng nếu đi dưới thang sẽ mang lại bất hạnh, thậm chí triệu hồi linh hồn quỷ dữ, xúc phạm thần linh.
Niềm tin này sau đó lan rộng đến La Mã cổ đại, nơi những chiếc thang gắn liền với thần thánh. Từ đó tiếp tục lan sang phần còn lại của châu Âu.
Ở châu Âu thời Trung Cổ, những chiếc thang không còn gắn liền với thần thánh nữa. Không chỉ là công cụ xây dựng, chúng còn có hình dáng giống giá treo cổ. Chiếc thang được coi là thứ có mối liên hệ chặt chẽ đến cái chết và sự bất hạnh. Chính vì thế, nỗi sợ hãi khi đi dưới thang trở nên rõ rệt hơn và người ta càng ngày càng tránh đi qua những vật có hình tam giác.
Đi dưới thang không phải điều gì đó khủng khiếp nhưng quan niệm mê tín này dường như đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người. Không đi dưới thang nghe có vẻ là một lời khuyên khá đúng đắn về sức khỏe và an toàn.
3. Thứ sáu ngày 13
Thứ Sáu ngày 13 là hai điều mê tín đứng cạnh nhau. Thứ sáu là một ngày không may mắn, bắt nguồn từ truyền thống Kitô giáo. Người ta tin rằng Chúa Giêsu bị đóng đinh vào ngày thứ Sáu và do đó ngày đó trong tuần là ngày không may mắn.
Cặp bài trùng thứ 6 ngày 13 được xem là điềm gở. (Ảnh: Getty Image).
Có rất nhiều lý do khiến con người sợ thứ 6 ngày 13. Không ai lý giải được nỗi sợ số 13 (được gọi là triskaidekaphobia) đến từ đâu.
Theo một số nhà sử học, nỗi sợ này bắt nguồn từ thời kỳ cổ đại, khi số 12 được coi là con số hoàn hảo, thường được sử dụng cho những phép đo hoặc lịch. Điều này khiến cho người hàng xóm của nó, số 13, trở thành một con số không hoàn hảo hoặc không may mắn.
Một số người khác lại cho rằng, nỗi sợ số 13 bắt nguồn từ thần thoại Bắc Âu, nơi Loki đến với tư cách là vị khách thứ 13 trong một bữa tiệc tối thiêng liêng, khiến các vị thần khác buồn lòng và gieo rắc cái ác và đau khổ vào thế giới.
Thứ Sáu ngày 13 còn liên quan đến nhiều sự kiện kinh hoàng khiến con người sợ hãi.
Vào thứ Sáu ngày 13 tháng 10 năm 1307, Vua Philip IV của Pháp đã ra lệnh bắt giữ Hiệp sĩ dòng Đền khét tiếng. Nhiều người trong số họ sau đó đã bị tra tấn và hành quyết, một số bị thiêu trên cọc. Điều này được xem là khá xui xẻo.
Dù nguồn gốc của nó là gì, trong những năm qua, thứ Sáu ngày 13 ngày càng nổi tiếng, được củng cố bởi những sự kiện không may như vụ tai nạn của Chuyến bay 571 của Không quân Uruguay vào thứ Sáu, ngày 13 tháng 10 năm 1972. Văn hóa đại chúng cũng đã giúp củng cố sự mê tín này với bộ phim "Thứ Sáu ngày 13".
4. Mèo đen - Bạn bè với phù thủy và ác quỷ
Mèo đen hay linh miêu từng khiến nhiều người lo sợ về sự xui xẻo mà chúng mang đến. Trên thực tế, mèo đen lại khó nuôi hơn so với những con mèo có màu lông khác. Sự mê tín xoay quanh mèo đen đã từ rất lâu đời.
Sự mê tín cổ xưa xung quanh mèo đen cũng lâu đời như chính nền văn minh. (Ảnh: Adobe Stock).
Ở Ai Cập cổ đại, mèo, bao gồm cả những người anh em mèo đen của chúng, được tôn kính và gắn liền với thần thánh, đặc biệt là nữ thần Bastet. Giết một con mèo, thậm chí do nhầm lẫn, cũng là một trọng tội.
Tuy nhiên, vài thế kỷ trước, đặc biệt là ở Châu Âu thời Trung Cổ, mèo đã nổi tiếng vì gắn liền với phù thủy, thuật phù thủy và chính Satan. Người ta tin rằng mèo đóng vai trò là linh thú của phù thủy, cho phép họ giao tiếp với ma quỷ và phù thủy có thể biến thành mèo đen để thực hiện những hành động bất chính của mình.
Do đó, vào thế kỷ XVI và XVII đã xảy ra nhiều cuộc săn lùng phù thủy. Vô số mèo đen bị giết cùng những người được xem là phù thủy.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ghét mèo đen. Ở một số vùng ở châu Âu, đặc biệt là ở Scotland và Ireland, mèo đen được coi là may mắn. Điều này trái ngược hoàn toàn với những mê tín phổ biến ở các khu vực khác. Ngày nay, mèo đen tiếp tục tượng trưng cho những điều khác nhau trong các nền văn hóa khác nhau. Một số người coi chúng là điềm báo xui xẻo, trong khi những người khác coi chúng là biểu tượng của sự may mắn.
5. Vỡ gương - 7 năm xui xẻo
Quan niệm nếu làm vỡ gương sẽ bị xui xẻo đeo đuổi 7 năm có từ thời Hy Lạp và La Mã, khi người ta tin rằng những chiếc gương chứa đựng một phần linh hồn của một người. Việc làm vỡ gương không chỉ làm hỏng hình ảnh phản chiếu vật chất mà còn làm tổn hại đến bản chất tinh thần của con người, dẫn đến xui xẻo.
Làm vỡ gương sẽ mang lại bảy năm xui xẻo. (Ảnh: Adobe Stock).
Giống như nhiều mê tín cổ xưa khác, khái niệm này vẫn tồn tại đến thời Trung Cổ khi gương khan hiếm và đắt tiền, làm tăng thêm niềm tin vào những đặc tính thần bí của chúng. Châu Á cũng có sự mê tín tương tự. Ở Trung Quốc cổ đại, gương đóng vai trò dự đoán tương lai thông qua bói toán. Thay vì làm tổn hại đến linh hồn, việc làm vỡ gương được coi là làm xáo trộn mối liên hệ này với thế giới linh hồn, mang lại bất hạnh.
6. Mở ô trong nhà - Cơn mưa xui xẻo
Ở hầu hết các nơi trên thế giới, việc mở ô trong nhà được coi là hành vi cực kỳ xấu hoặc xui xẻo hoặc cả hai.
Mở ô trong nhà được coi là điểm xui. (Ảnh: Getty Image).
Ở châu Âu, sự mê tín này được cho là có liên quan đến nước Anh thời Victoria. Lý do đằng sau nó là vô cùng thực tế. Trong thời gian này, ô là một phát minh tương đối mới và cơ chế lò xo của chúng khiến chúng trở nên cồng kềnh khi ở trong nhà. Mở ô trong không gian hạn chế có thể dẫn đến tai nạn, hư hỏng tài sản hoặc thậm chí gây thương tích cho bản thân hoặc người khác.
Ở châu Á, sự mê tín có nguồn gốc đáng sợ hơn. Mở ô trong nhà được coi là điều cấm kỵ vì nó giống với những hành động được thực hiện trong đám tang, chẳng hạn như mở tán che cho người đã khuất. Người ta tin rằng việc mở ô trong nhà (đặc biệt là vào ban đêm) có thể bẫy hoặc chọc giận linh hồn người đã khuất, dẫn đến xui xẻo. Trong văn hóa dân gian Nhật Bản còn có một loại yokai (quỷ) tên là Kasa-obake có hình dáng chiếc ô và thích gây rối.
7. Móng ngựa - Nắm giữ mọi may mắn
Một số nền văn minh như Hy Lạp coi móng ngựa là tấm bùa may mắn chống lại ma quỷ. Do vậy, người ta thường treo móng ngựa trước cửa nhà để bảo vệ gia đình khỏi quỷ dữ.
Móng ngựa được xem là điều may mắn. (Ảnh: Getty Image).
Sự mê tín xung quanh móng ngựa và sức mạnh được cho là mang lại may mắn của chúng đã lan truyền trong lịch sử, bắt nguồn từ tín ngưỡng và văn hóa dân gian châu Âu. Sự mê tín về móng ngựa có hai khía cạnh khác biệt.
Đầu tiên, ở châu Âu cổ đại, sắt được cho là có đặc tính bảo vệ. Sắt được coi là nguyên chất và do đó có thể được sử dụng để chống lại các thế lực độc ác như ma quỷ, linh hồn và thậm chí cả phù thủy. Thứ hai, móng ngựa, giống như Mặt Trăng, được liên kết với các vị thần Mặt Trăng ngoại đạo cổ xưa. Theo thời gian, người ta xem móng ngựa là điều mang lại may mắn.
Ở châu Âu thời Trung Cổ, người ta bắt đầu treo móng ngựa trên các ô cửa, với đầu hướng lên trên. Người ta tin rằng điều này tạo thành một hàng rào bảo vệ, xua đuổi những điều xấu xa siêu nhiên và mang lại sự thịnh vượng cho gia đình.
Ngày nay, hướng treo móng ngựa mang ý nghĩa quan trọng. Treo nó với các đầu hướng lên trên được cho là sẽ bắt và giữ vận may, trong khi treo nó xuống được cho là để vận may tràn ra ngoài. Móng ngựa vẫn là biểu tượng của sự may mắn trong nhiều nền văn hóa khác nhau.
8. Đổ muối - Làm mù mắt quỷ dữ
Đối với người La Mã, muối là biểu tượng của sự tinh khiết và được sử dụng trong một số hoạt động tôn giáo, đặc biệt là các nghi lễ thanh tẩy. Đổ muối bị coi là xúc phạm đến nghi thức thiêng liêng này và được cho là sẽ chọc giận các vị thần. Việc chọc giận các vị thần rõ ràng sẽ dẫn đến xui xẻo.
Một mê tín cổ xưa cho rằng việc đổ muối sẽ khiến các vị thần tức giận. (Ảnh: Adobe Stock)
Ở châu Âu thời Trung Cổ, muối là một mặt hàng đắt tiền và hành động làm đổ muối được cho là sẽ thu hút sự chú ý của các linh hồn ma quỷ hoặc phù thủy, mang đến bất hạnh.
Để chống lại điều xui xẻo này, một phong tục phổ biến đã xuất hiện: ném một nhúm muối đổ lên vai trái của một người, nơi người ta tin rằng ma quỷ đang ẩn nấp. Cử chỉ này được cho là có tác dụng xua đuổi ma quỷ và tránh những điều xui xẻo sau đó.
Muối cũng tiếp tục gắn liền với việc thanh lọc. Người ta tin rằng ma quỷ và linh hồn không thể vượt qua đường muối, nghĩa là rắc muối dọc theo mép cửa sổ và cửa ra vào có thể xua đuổi ma quỷ.
9. Huýt sáo vào ban đêm
Bóng tối là nỗi sợ đã ăn sâu vào tâm lý của nhiều người trong nhiều thế kỷ. Chính vì thế, trong các nền văn hóa, màn đêm luôn gắn liền với những điều kì bí, nơi che giấu những điều khó lý giải và thế lực vô hình.
Ảnh: Getty Image
Nhiều nền văn hóa cho rằng huýt sáo vào ban đêm là điều không may mắn. Nó được xem như một lời mời, một cách kêu gọi các linh hồn hoặc sinh vật siêu nhiên đến với sự hiện diện của một người.
Niềm tin này đặc biệt rõ rệt ở châu Âu thời Trung Cổ cực kỳ mê tín và ám ảnh bởi ma quỷ. Màn đêm được coi là nơi sinh sống của phù thủy, ác quỷ và những con quái vật khó chịu khác, và tiếng huýt sáo được cho là sẽ thu hút những thực thể này, có thể dẫn đến bất hạnh, bệnh tật hoặc thậm chí là bị ám.
Huýt sáo vào ban đêm trên đất liền đã xấu nhưng làm việc đó trên biển còn tệ hơn. Các thủy thủ về bản chất là một nhóm mê tín và trong lịch sử, họ coi tiếng huýt sáo ban đêm là một điềm xấu trên biển cả. Âm thanh kỳ lạ của gió rít trong bóng tối được coi là điềm báo trước về những cơn bão sắp xảy ra hoặc những thảm họa hàng hải khác.
10. Quạ - Điềm báo của bóng tối
Không chỉ mèo đen mới có mối quan hệ phức tạp với những mê tín cổ xưa. Quạ vừa được xem là điềm báo của cái chết, vừa là biểu tượng của trí tuệ trong suốt lịch sử nhân loại.
Quạ được coi là điềm báo của cái chết và biểu tượng của sự khôn ngoan. (Ảnh: Adobe Stock)
Trong thần thoại Bắc Âu, Chúa tể của các vị thần là Odin luôn đi cùng với hai con quạ là Huggin và Muninn. Theo lệnh của ông, chúng sẽ bay khắp thế giới để mang thông tin về cho chủ nhân của mình.
Trong khi đó, một vị thần ngoại giáo khác là Morrigan cũng luôn mang theo mình một con quạ. Tuy nhiên, danh tiếng của vị thần này tiêu cực hơn khi luôn gắn liền với cái chết.
Bên cạnh đó, màu lông đen và hành vi trong tự nhiên của loài quạ như nhặt rác và tiếng kêu nghe đầy ám ảnh cũng khiến người ta coi chúng là điềm báo của cái chết và sự diệt vong. Trong một số tín ngưỡng, việc nhìn thấy một con quạ hoặc quạ gần nhà được coi là điềm xấu.
Giống như những con mèo đen trong các cuộc săn phù thủy thời Trung Cổ, những con chim này đôi khi được cho là có liên quan đến phù thủy. Chúng cũng được cho là gián điệp của các thế lực đen tối.
Lịch sử nhân loại có vô vàn điều mê tín, đặc biệt những thứ càng khiến con người lạnh sống lưng lại càng có sự hấp dẫn trong đó. Thế giới mê tín là một mê cung của những niềm tin và nhận thức văn hóa đã ảnh hưởng đến hành vi của con người trong nhiều thiên niên kỷ. Từ cái nhìn đáng ngại của con mắt độc ác cho đến nỗi kinh hoàng về Thứ Sáu ngày 13, những điều mê tín này đã phủ bóng lên lịch sử, phản ánh mong muốn bẩm sinh của chúng ta là khám phá những điều chưa biết.