Nguồn gốc, ý nghĩa của lễ Phật Đản và những nghi thức nên làm trong ngày linh thiêng

Phật đản là ngày lễ trọng đại được tổ chức hằng năm bởi cả hai hệ phái Phật giáo Nam Tông (Tiểu thừa) và Bắc Tông (Đại thừa).

Lễ Phật Đản được tổ chức hàng năm, vào ngày rằm tháng tư, ở các nước theo đạo Phật là để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Trong đại lễ, Phật tử không sát sinh, chỉ ăn chay, phóng sinh và làm các công việc thiện nguyện. Từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản 15/4 (âm lịch) đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới.

1. Lễ Phật Đản được tổ chức vào ngày nào?

Ngày Phật Đản còn là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật (Phật Đản, Vu lan, Thành đạo). Trước năm 1959, các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật Đản vào ngày 8/4 âm lịch.


Ngày Phật Đản quốc tế là ngày rằm tháng tư âm lịch hàng năm (15/4).

Nhưng tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo (Tích Lan) được tổ chức từ 25/5 đến 8/6/1950, 26 nước là thành viên thống nhất ngày Phật Đản quốc tế là ngày rằm tháng tư âm lịch hàng năm (15/4).

Từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản 15/4 (âm lịch) đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật Đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật Đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).

2. Nguồn gốc, ý nghĩa và các nghi thức thường làm trong ngày lễ Phật Đản

Nguồn gốc


Lễ Phật Đản được tổ chức hàng năm để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca. Ngài được cho là sinh vào ngày rằm tháng tư âm lịch năm 624 trước Tây lịch (theo lý giải của phái Nam tông), mùng 8/4 âm lịch (theo lý giải của phái theo Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni - nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.

Chính vì thế, lễ Phật Đản được tổ chức hàng năm, vào ngày rằm tháng tư, ở các nước theo đạo Phật là để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời.

Ý nghĩa

Vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng), và thực hành ăn chay và giữ Ngũ giới, Tứ vô lượng tâm (từ bi hỷ xả), thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu kém trong cộng đồng.

Kỷ niệm Vesak cũng có nghĩa là làm những nỗ lực đặc biệt để mang lại hạnh phúc, niềm vui cho những người bất hạnh như người già cao niên, người khuyết tật và người bệnh, chia sẻ niềm vui và hòa bình với mọi người.

Ở một số quốc gia, đặc biệt là Sri Lanka, hai ngày được dành cho việc cử hành Vesak, việc bán rượu và thịt thường bị cấm và tất cả các cửa hàng rượu, bia và lò giết mổ phải đóng cửa do nghị định của chính phủ.

Chim, côn trùng và thú vật được phóng sinh như là một "hành động mang tính biểu tượng của sự giải thoát", của sự trả tự do cho những người bị giam cầm, bị bỏ tù, bị tra tấn trái với ý muốn của họ.

Tại Ấn Độ, Nepal, người dân thường mặc áo trắng khi lên các tịnh xá và ăn chay. Tại hầu hết các quốc gia châu Á đều có diễu hành xe hoa và nghi lễ tụng niệm, tại Hàn Quốc có lễ hội đèn hoa sen Yeon Deung Hoe rất lớn.

Phật đản là ngày nghỉ lễ quốc gia tại nhiều nước châu Á như Thái Lan, Nepal, Sri Lanka, Malaysia, Myanmar, Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, Campuchia...

Nghi thức thường làm


Giáo hội các tỉnh thành còn tổ chức diễu hành, làm lễ, thả hoa đăng trên sông....

Ở Việt Nam, lễ Phật Đản luôn được tổ chức trang trọng. Ngoài việc tổ chức buổi lễ chính vào ngày rằm tháng 4, Giáo hội các tỉnh thành còn tổ chức diễu hành, làm lễ, thả hoa đăng trên sông, tổ chức thuyết giảng về Phật pháp xen kẽ các buổi văn nghệ, đèn lồng, làm lễ đài tổ chức...

Vào ngày Phật Đản, các Phật tử không sát sinh, mọi người đều ăn chay, lau dọn vệ sinh nhà cửa và trang trí bàn thờ Phật thật đẹp. Các Phật tử có thể đến chùa để phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để làm cho tâm hồn được thanh tịnh.

Tại các chùa, Phật tử thường dựng lên lễ đài lớn, trang trí các xe hoa. Tuy nhiên, tất cả những việc này đều được thực hiện sao cho không gây tốn kém nhiều, không phung phí, tất cả được thể hiện bằng tấm lòng thành vốn là đạo lý nhà Phật.

Một trong những nghi thức quan trọng nhất không thể thiếu chính là: Tắm Phật. Theo Sư thầy Thích Đàm Cúc (trụ trì chùa Khánh Ly, thôn Vỹ Khách, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam):

"Tắm Phật trong ngày lễ Phật đản là để những người con Phật tưởng nhớ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Ngài đã mang ánh sáng chân lý soi rọi vào cuộc sống, xóa tan những nỗi khổ niềm đau. Tắm Phật là tắm những phiền não ở trong lòng, gột rửa đi những sân hận để cho tâm được thanh lương mát mẻ hướng đến một đời sống an lạc".

Ni sư Thích Diệu Mơ - Trưởng Ban trị sự GHPG huyện Kinh Môn (Hải Dương), trụ trì chùa Nhẫm Dương cho rằng: "Tắm Phật là nghi thức tưới nước thơm lên tượng Phật sơ sinh, ngoài mục đích kỷ niệm Phật đản giáng sinh còn mang ý nghĩa sâu sắc về sự tẩy trừ phiền não, hướng đến thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý của con người".


Tắm Phật đã trở thành một nghi lễ không thể thiếu trong ngày lễ Phật đản hàng năm.

Việc tắm tượng Phật không phải là tắm cho Đức Phật thật sự, mà là một hành động tượng trưng. Đức Phật không cần được tắm và ngài không hiện diện trong pho tượng. Thực chất, việc tắm tượng Phật Thích Ca sơ sinh là tắm biểu trưng, gọi là tắm Phật nhưng thực ra là tắm cho chính mình.

Ba gáo nước thơm dùng để tắm Phật mang những ý nghĩa sâu sắc: Gáo nước đầu tưới vào vai và tay trái để gột rửa mọi điều sai trái. Gáo nước thứ hai tưới vào vai và tay phải để làm cho những điều tốt càng thêm tốt đẹp hơn. Gáo nước thứ ba tưới vào đầu để tâm trí thanh tịnh, sáng suốt.

Như vậy, việc tắm Phật chính là để tự làm sạch và làm mới bản thân. Sau khi thực hiện nghi lễ tắm Phật, mỗi người sẽ cảm thấy bản thân mới mẻ, sạch sẽ, tươi sáng và minh mẫn hơn. Trên khắp thế giới, những người con Phật cùng nhau chăm lo cho Đại lễ Phật đản, thể hiện tâm nguyện tốt đẹp vì một cuộc sống hòa bình, an vui.

Khi làm lễ Tắm Phật, tăng ni Phật tử nếu có điều kiện nên đọc bài chú Tắm Phật sau:

Ngã kim quán mộc chư Như Lai

Tịnh trí trang nghiêm công đức tụ

Ngũ trược chúng sanh tịnh ly cấu

Đồng chứng Như Lai tịnh Pháp thân

Tỳ Gia thành lý vị tằng sanh

Sa La thọ gian vị tằng diệt

Bất sanh bất diệt lão Cồ Đàm

Nhãn trung khán kiến trùng thiên tiết

Kim triêu chính thị tứ ngoạt bát

Tịnh Phạn vương cung sanh Tất Đạt

Cửu long phúng thủy thiên ngoại lai

Bỗng túc Liên Hoa tùng địa phát

Án mâu ni, mâu ni, tam mâu ni, tát phạ ha.

Theo Lịch vạn niên năm 2024, sự kiện lễ Phật đản diễn ra từ ngày 15/5 đến ngày 22/5 Dương lịch.

Cập nhật: 22/05/2024 Tổng Hợp
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video