Các nhà nghiên cứu Mỹ nói rằng việc tiếp xúc với bức xạ trong không gian có thể làm tăng sự phát triển bệnh Alzheimer ở các phi hành gia, theo hãng tin UPI.
Tác giả nghiên cứu, tiến sĩ M. Kerry O’Banion tại Khoa Sinh học Thần kinh và Giải phẫu học của Trung tâm Y khoa Đại học Rochester (Mỹ) và các cộng sự cho biết, không gian chứa đầy bức xạ, nhưng từ trường của Trái đất thường bảo vệ hành tinh cùng loài người.
Phát hiện mới có thể đe dọa các sứ mệnh tương lai đến sao Hỏa - (Ảnh: NASA)
Tuy nhiên, một khi các phi hành gia rời quỹ đạo, họ phải tiếp xúc với một cơn mưa các hạt bức xạ khác nhau liên tục, và phi hành gia nào càng đi sâu vào không gian, sự phơi nhiễm càng lớn.
Một phần nghiên cứu đã được thực hiện tại Phòng thí nghiệm Bức xạ Vũ trụ của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thuộc Phòng thí nghiệm Quốc gia Brookhaven ở Long Island, New York, để tận dụng các máy gia tốc hạt, vốn bằng cách cho vật chất va chạm với nhau ở tốc độ cao để tạo ra các hạt bức xạ vốn được tìm thấy trong không gian.
Tại Brookhaven, các con chuột bị phơi nhiễm với nhiều liều bức xạ khác nhau, bao gồm các mức tương đương với những gì mà các phi hành gia trải nghiệm trong một sứ mệnh chinh phục sao Hỏa.
Các con vật sau đó trải qua các cuộc thử nghiệm, trong đó chúng phải nhớ đặt các đồ vật ở những vị trí nhất định.
Cuộc nghiên cứu cho thấy các con chuột hầu hết không thể làm được những bài tập trên. Chúng có sự tổn hại thần kinh sớm hơn so với thời điểm những triệu chứng này xuất hiện.
Não của chúng cũng có những dấu hiệu thay đổi về mạch và một sự tích tụ lớn hơn bình thường beta amyloid, chất vốn có liên quan đến bệnh Alzheimer.
“Phát hiện này rõ ràng cho thấy việc phơi nhiễm bức xạ trong vũ trụ có thể làm tăng tốc độ phát triển bệnh Alzheimer”, ông O’Banion nói.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên chuyên san PLOS ONE.