Qua phân tích mẫu máu của 13 gia đình tại 12 nước châu Âu, quỹ toàn cầu vì thiên nhiên đã phát hiện ra 73 loại hoá chất độc hại đối với con người do tiếp xúc các đồ vật trong gia đình. Và nguy cơ trẻ em nhiễm những hoá chất độc hại này còn cao hơn so với người lớn.
Nhóm nghiên cứu của Quỹ toàn cầu vì thiên nhiên (WWF) đã tiến hành phân tích mẫu máu của 13 gia đình với các thành viên từ 12 tuổi cho đến 92 tuổi. Qua đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy trong máu của những người tham gia nghiên cứu đều có các loại hoá chất nhân tạo có hại cho sức khoẻ con người. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tiếp xúc với những đồ dùng quen thuộc trong gia đình như máy tính, vải, mỹ phẩm và thiết bị điện tử.
Qua kết quả nghiên cứu này, các nhà khoa học đã rút ra kết luận rằng con người đã vô tình trở thành nạn nhân của những thiết bị, đồ dùng được chế tạo không an toàn. Điều đáng chú ý là những hóa chất độc hại này lại dễ dàng nhiễm vào máu của trẻ em.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn lo ngại nguy cơ bùng nổ các bệnh ung thư trong các thế hệ sau do rối loạn nội tiết và hóa chất độc hại tích tụ dần trong cơ thể qua nhiều thế hệ.
Chính vì vậy, mà Quỹ toàn cầu vì thiên nhiên đang tiến hành chiến dịch kêu gọi liên minh châu nên đưa ra những qui chế chặt chẽ hơn đối với các nhà máy trong việc sử dụng những hoá chất độc để sản xuất các sản phẩm tiêu dùng.