Nguy cơ rò rỉ chất thải phóng xạ khắp châu Âu từ nhà máy hạt nhân Chernobyl

Giao tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra xung quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl có thể làm xáo trộn chất thải hạt nhân, khiến chất phóng xạ nguy hiểm phát tán khắp châu Âu.

Mới đây, hãng tin AP dẫn lời ông Myhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine, cho biết nước này đã mất quyền kiểm soát đối với nhà máy hạt nhân Chernobyl sau một cuộc giao tranh với lực lượng của Nga hôm 24/2. Vị cố vấn này cũng cảnh báo: "Khó có thể nói rằng, nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã an toàn".


Cơ sở lưu trữ tại Chernobyl, nơi chứa bụi phóng xạ của lò phản ứng, có thể vô tình bị phá hủy do giao tranh nổ ra (Ảnh: Shutterstock).

Cuộc giao tranh diễn ra là một phần trong chiến dịch quân sự toàn diện của Nga vào Ukraine, được xem là cuộc chiến quân sự lớn nhất nhằm vào một quốc gia châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai. Bên cạnh những lý do về mặt chính trị, thì mức độ nguy hiểm của rò rỉ chất thải phóng xạ cũng được giới chức quốc tế đặc biệt lo ngại.

Nguy cơ rò rỉ chất thải phóng xạ diện rộng

Là một trong những nơi còn nhiều chất phóng xạ nhất trên thế giới, phần lớn của vùng quanh khu vực nhà máy Chernobyl vẫn đang bị đóng cửa kể từ sau khi xảy ra sự cố hạt nhân thảm khốc, được xem là lớn nhất lịch sử vào năm 1986.

Trong năm đó, 2 vụ nổ lớn tại nhà máy đã thổi bay nắp lò phản ứng hạt nhân với khối lượng 2.000 tấn, làm rung chuyển các tòa nhà và phun chất phóng xạ vào không khí, bao phủ một khu vực rộng tới 2.600 km vuông xung quanh bằng bụi phóng xạ hạt nhân.

Khu vực này sau đó được xem là "không thể cư trú" trong ít nhất 24.000 năm - tương đương chu kỳ bán rã của nhiều nguyên tố phóng xạ chiếm ưu thế như transuranium.


Bên trong một trường mẫu giáo ở thành phố bị bỏ hoang Pripyat. (Ảnh: AP).

"Lực lượng chiếm đóng của Nga đang cố gắng chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Những người bảo vệ của chúng tôi đang hy sinh mạng sống của họ để thảm kịch năm 1986 không lặp lại", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky viết trên Twitter hôm 24/2.

Một cố vấn của Bộ Nội vụ Ukraine cũng cảnh báo rằng giao tranh xung quanh nhà máy điện có thể dẫn đến khả năng làm xáo trộn chất thải hạt nhân, và phát tán chất phóng xạ nguy hiểm trên khắp châu Âu.

"Những vụ pháo kích do quân chiếm đóng gây ra có thể khiến cơ sở lưu trữ chất thải hạt nhân bị phá hủy, khiến bụi phóng xạ có thể bao phủ lãnh thổ của Ukraine, Belarus và các nước thuộc Liên minh châu Âu", Anton Gerashchenko, cố vấn và cựu Thứ trưởng tại Bộ Nội vụ Ukraine, viết trên Facebook.

"Bóng ma" vẫn ám ảnh thị trấn Pripyat

Pripyat - thành phố từng đóng cửa và được mô tả là một "thị trấn ma", nay đã được xây dựng để phục vụ nhà máy hạt nhân và làm nơi ở của nhân viên, cũng như thành phố Chernobyl gần đó.

Dẫu vậy theo báo cáo, từ năm 1986, hàng nghìn người, thường là nam giới, đã trở lại làm việc tại khu vực xung quanh nhà máy. Công việc của họ chỉ thường diễn ra theo ca 2 tuần/lần, nhằm đảm bảo rằng cơ sở hạ tầng quan trọng ở cả 2 thành phố vẫn tiếp tục hoạt động.


Lối vào thị trấn Pripyat. (Ảnh: Gettyimages).

Vào năm 2016, khoảng 180 người được cho là đang sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng nhiễm xạ. Mặc dù không được chấp nhận một cách chính thức, nhưng nhà nước vẫn hỗ trợ họ trong cuộc sống hàng ngày. Lương hưu của họ được chuyển mỗi tháng một lần, và cứ sau hai đến ba tháng, họ được một cửa hàng lưu động cung cấp thực phẩm.

Theo các báo cáo khoa học, Chernobyl vẫn ghi nhận gia tăng đáng kể tỷ lệ tử vong và giảm tuổi thọ của con người và quần thể động vật. Cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều khối u và khiếm khuyết hệ miễn dịch, rối loạn hệ tuần hoàn và hô hấp, và tình trạng lão hóa sớm.

Không chỉ động vật, mà cả hệ thực vật ở Chernobyl cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. 35 năm thảm họa, đất đai, cây cối vẫn bị ô nhiễm bởi bức xạ.

Bất chấp những mối đe dọa về phóng xạ nêu trên, khu vực nhiễm xạ ở Chernobyl vẫn như một "thỏi nam châm" thu hút khách du lịch tò mò trước cuộc sống nơi đây sau thảm họa. Vào năm 2019, con số du khách hàng năm đã tăng lên tới 124.000 người sau loạt phim truyền hình của đài HBO về lịch sử nhà máy Chernobyl.

Tuy nhiên, du khách tới thăm quan khu vực này phải mặc trang phục chống nhiễm xạ đặc biệt và được cảnh báo nên tránh ăn bất kỳ thức ăn hoặc đồ uống nào bên ngoài.

Người ta ước tính rằng lượng bức xạ mà du khách nhận được trong một chuyến thăm nhà máy không vượt quá 0,1 Millisievert (mSv). Đây là mức tương đối an toàn, chừng nào du khách còn tuân thủ đúng theo các quy định của giới chức địa phương.

Cập nhật: 28/02/2022 Theo Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video