Hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt có thể là nguyên nhân góp phần gây ra 4 trong số 5 trận động đất mạnh nhất tại lưu vực Los Angeles, phía Nam bang California của Mỹ trong thời kỳ bùng nổ dầu mỏ đầu thế kỷ 20.
Đây là kết quả của công trình nghiên cứu khoa học công bố trên tập san của Hiệp hội Địa chất Mỹ số ra ngày 31/10.
Để đưa ra kết luận trên, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích các nghiên cứu địa chất, dữ liệu về ngành công nghiệp dầu mỏ, thống kê của các cơ quan chính phủ cũng như các bài báo ở thời điểm đó.
Theo các nhà khoa học, các trận động đất ở thành phố Inglewood năm 1920, ở Whittier năm 1929, Santa Monica năm 1930 và Long Beach năm 1933 có thể đều có điểm chung là liên quan tới hoạt động sản xuất, khai thác dầu mỏ của con người.
Máy bơm dầu tại cơ sở khai thác dầu Bakken Shale gần Williston, Bắc Dakota, Mỹ ngày 6/9. (Nguồn: AFP/TTXVN).
Mặc dù không nêu nguyên nhân trực tiếp dẫn đến động đất, song các chuyên gia cho biết các hoạt động sản xuất dầu mỏ và khí đốt được bắt đầu không lâu trước khi xảy ra các trận động đất tại các khu vực này.
Trận động đất mạnh nhất trong số 5 vụ kể trên xảy ra ở Long Beach, gần Los Angeles, với cường độ 6,4 độ Richter, khiến 120 người thiệt mạng và gây thiệt hại 50 triệu USD.
Các nghiên cứu công bố trước đó kết luận không có các trận động đất nào do yếu tố con người tác động xảy ra tại các khu vực nói trên thuộc bang California sau năm 1935 khi sản lượng khai thác dầu mỏ và khí đốt sụt giảm.
Tuy nhiên, các nhà khoa học nhấn mạnh không nên so sánh những trận động đất nói trên ở California với những trận động đất ngày nay ở Oklahoma và Texas, hai bang đông dân nhất chịu ảnh hưởng của các trận động đất do con người gây ra, vốn được cho có thể là do hoạt động đứt gãy địa chất.
Năm 2015, tại Oklahoma xảy ra gần 1.000 trận động đất với cường độ ít nhất 3 độ Richter, tăng quá mạnh so với tần suất trung bình 2 trận /năm tại bang này trong giai đoạn từ giữa năm 1978 và 2008.
Hồi tháng 9 vừa qua ghi nhận trận động đất mạnh nhất trong lịch sử bang này này với cường độ 5,8 độ Richter.