Cuộc di cư quy mô lớn của cá mòi vào mùa Đông ở Nam Phi là một cảnh tượng tuyệt diệu được mong chờ hằng năm, đặc biệt với người dân ven bờ biển phía Đông ở tỉnh duyên hải KwaZulu-Natal. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo biến đổi khí hậu và tình trạng đánh bắt quá mức đang khiến loài này gặp nguy hiểm.
Theo phóng viên tại Nam Phi, khi mùa Đông bắt đầu tại các nước Nam Bán cầu, nước lạnh dâng lên. Ngoài khơi Nam Phi, xuất hiện những khối màu bạc nổi lên từ đáy đại dương. Đó là đàn cá mòi khổng lồ, gồm hàng chục đến hàng trăm triệu con cá mòi bơi dày đặc này phủ kín một khu vực dài hơn 7km, rộng 1,5km và sâu 30m. Theo dòng hải lưu mát lạnh giàu dinh dưỡng, cá mòi bắt đầu chuyến di cư hàng năm từ Mũi Agulhas đến Kwazulu-Natal.
Cuộc di cư quy mô lớn của cá mòi vào mùa Đông ở Nam Phi. (Ảnh: AFP).
Khi di chuyển về phía Bắc, các đàn cá mòi mắc kẹt giữa bờ biển phía Đông của Nam Phi và vùng nước ấm của dòng hải lưu Agulhas chảy về phía Nam. Theo giải thích của chuyên gia Peter Teske thuộc Đại học Johannesburg, cá mòi đang cố gắng tránh xa dòng hải lưu Agulhas vì chúng không thích vùng nước nóng này và di chuyển về phía bờ biển ở khu vực nước mát tương đối nông. Tuy nhiên, tại tỉnh Eastern Cape, dòng hải lưu Agulhas quá gần bờ biển khiến chúng bị mắc kẹt.
Bên cạnh đó, hoạt động săn cá mòi cũng trở nên nhộn nhịp, đỉnh điểm là vào tháng 6 hàng năm, có tới 18.000 con cá heo dồn đàn cá mòi thành những vòng tròn thức ăn với đường kính lên tới 20m. Khi đó, cá mòi cũng là sự lựa chọn dễ dàng cho những kẻ săn mồi khác như cá mập, cá voi, hải cẩu và các loài chim tham gia vào bữa tiệc đại dương phong phú nhất này. Đối với một số ít cá mòi sống sót sau cuộc tấn công của các loài săn mồi, tương lai của chúng vẫn rất ảm đạm. Đàn cá tiếp tục di chuyển về phía Bắc theo dòng nước lạnh cho đến khi nước dâng kết thúc. Theo chuyên gia Teske, chúng tiếp tục di chuyển đến vùng nước ấm hơn – môi trường sống tồi tệ nhất có thể xảy ra.
Những con cá mòi nước lạnh này bị mắc kẹt trong môi trường sống cận nhiệt đới, quá nóng để chúng có thể tồn tại. Cuộc hành trình dài hàng nghìn km của loài cá nhỏ này kết thúc bằng một "bẫy sinh thái" - khiến cá mòi trở thành một ví dụ hiếm hoi về cuộc di cư hàng loạt không mang lại lợi ích rõ ràng nào cho sự sinh tồn của loài. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng đây là mạng lưới thức ăn của các loài có nguy cơ tuyệt chủng như chim cánh cụt châu Phi, chim cốc Cape, ó biển Cape và cá mập. Giới chuyên gia cảnh báo hoạt động đánh bắt quá mức hiện nay và nhiệt độ đại dương tăng lên đang khiến trữ lượng cá mòi sụt giảm và cuộc di cư nổi tiếng thế giới của cá mòi có nguy cơ chấm dứt trong vài thập kỷ tới.
Hiện nay, cá mòi đang xuất hiện dần dần vào cuối năm nếu có. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy kể từ khi cuộc di cư của cá mòi lần đầu tiên được ghi lại trên báo chí gần một trăm năm trước, ngày xuất hiện đầu tiên của cá mòi đã bị chậm lại 1,3 ngày mỗi thập kỷ trong giai đoạn từ năm 1946-2012, trùng với sự dịch chuyển của dòng nước biển ấm.
Theo kết quả một nghiên cứu, những thay đổi trong quá trình di chuyển của cá mòi khiến kẻ săn mồi và con mồi của chúng không còn ở cùng một nơi vào cùng một thời điểm. Điều này đã cho thấy sự phân nhánh nghiêm trọng đối với những loài săn mồi hàng đầu như chim ó biển Cape và chim cánh cụt châu Phi, những loài có chế độ ăn chủ yếu là cá mòi. Nhà sinh vật học biển Stephanie Plön thuộc Đại học Stellenbosch cho rằng khi những sự kiện như thế này bị gián đoạn có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền, phá vỡ toàn bộ hệ sinh thái sau những thay đổi khí hậu tương đối nhỏ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết có rất ít nghiên cứu khám phá sự thay đổi về thời gian của các loài cá di cư như cá mòi và cần nhiều nghiên cứu hơn nếu muốn hiểu được mối liên hệ giữa nhiệt độ khí quyển và đại dương ấm lên cũng như những gì con người có thể làm để giảm thiểu tác động của hiện tượng này.
Cá mòi là loài cá thương mại quan trọng ở Nam Phi. Sau sự sụt giảm nhanh chóng về sản lượng đánh bắt cá mòi vào giữa những năm 1960, ngành này đã thay đổi chiến lược đánh bắt để sử dụng lưới mắt nhỏ hơn để đánh bắt cá cơm con nhằm giúp phục hồi quần thể cá mòi.