Nguyên nhân thế giới bó tay với dịch Ebola

Theo các số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi hiện nay đã cướp đi sinh mạng của 2.296 người. Một nửa số trường hợp tử vong vì căn bệnh quái ác này xảy ra trong 3 tuần trở lại đây.

WHO cho biết, 47% số ca tử vong và 49% trong tổng số 4.269 trường hợp nhiễm virus Ebola tính tới nay diễn ra trong vòng 21 ngày, tính tới ngày 6/9. Tổ chức này dự đoán sẽ có tới 20.000 người bị nhiễm bệnh cho tới khi đợt dịch Ebola nghiêm trọng nhất lịch sử thoái trào.

Dịch Ebola dường như đang diễn tiến rất nghiêm trọng, vượt ngoài tầm kiểm soát kể từ khi bùng phát ở Guinea hồi tháng 3, rồi lan ra tới các nước Tây Phi láng giềng khác như Liberia, Sierra Leone, Nigeria và Senegal. Các nhà phân tích nhận định, có ít nhất 7 nguyên nhân khiến thế giới "bất lực" trước sự hoành hành của dịch Ebola như hiện nay:


Các nhân viên y tế đang tháp tùng một người đàn ông nhiễm virus Ebola tới bệnh viện chữa trị ở Monrovia, Liberia. (Ảnh: Getty Images)

1. Các chiến dịch tuyên truyền bắt đầu khá muộn và không tiếp cận đủ người

Ở Uganda, ngay sau khi một trường hợp nhiễm Ebola được nhận diện, các quan chức y tế đã cho phát đi tràn ngập các thông điệp hướng dẫn về cách bảo vệ mọi người an toàn trên mọi phương tiện truyền thông đại chúng. Mọi người không rời khỏi nhà của họ vì sợ nhiễm mầm bệnh và họ ngay lập tức thông báo những trường hợp khả nghi tới nhà chức trách. Đây là một trong những lí do Uganda đã triệt tiêu thành công 4 đợt dịch Ebola, ngay cả khi chúng tấn công các khu vực đô thị.

Theo tiến sĩ Anthony Mbonye, lãnh đạo ngành y tế của Uganda, chiến dịch tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng tích cực như trên đã không bắt đầu sớm như cần thiết trong đợt dịch Ebola hiện tại ở châu Phi. "Họ phản ứng quá chậm nhằm giúp cộng đồng nhận thức về căn bệnh", ông Mbonye nhán mạnh.

Ishmeal Alfred Charles, một nhân viên cứu trợ đang hoạt động ở tâm dịch Ebola tại Freetown, Sierra Leone, cho hay, dân chúng chẳng mấy hay biết về căn bệnh cho tới tận cuối tháng 7, khoảng 4 tháng sau khi trường hợp nghi nhiễm đầu tiên xuất hiện tại nước này.

"Sự việc chỉ trở nên nghiêm trọng khi chúng tôi mất tiến sĩ Sheik Umar Khan (một bác sĩ địa phương nổi tiếng chống Ebola, qua đời ngày 29/7 và được đông đảo báo chí thế giới nhắc tới). Đó là khi các cỗ xe chính trị bắt đầu chuyển hướng và chính phủ bắt đầu tập hợp các nguồn lực để hỗ trợ", ông Charles nói.

Ông Charles cũng nhận thấy rằng, khi dịch mới bùng phát, hầu hết thông điệp tuyên truyền về Ebola chỉ tập trung trên các phương tiện truyền thông chính thống, kể cả truyền hình và đài phát thanh, nên chúng chủ yếu tiếp cận tầng lớp trung và thượng lưu của đất nước. Trong khi đó, tại Sierra Leone, nhiều người dân sống trong các cộng đồng nghèo khổ và về cơ bản hầu như không được tiếp cận đài, tivi hay internet.

Vì lí do trên, trong các tháng vừa qua, ông Charles và các cộng sự đã cố gắng đi tới mọi hang cùng, ngõ hẻm để tuyên truyền về Ebola. Họ thậm chí đã phát loa phóng thanh cho các tình nguyện viên tại các cộng đồng để giúp mọi người dân có thể hiểu rõ căn bệnh quái ác. Tất nhiên, thông điệp đến quá trễ và Ebola hiện đã tấn công hầu như mọi quận, huyện ở Sierra Leone.


Tỉ lệ người trưởng thành biết chữ ở các nước trên thế giới. (Ảnh: UNESCO)

2. Các nước bị ảnh hưởng có tỉ lệ biết chữ thấp nhất thế giới

Chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chăm sóc y tế diễn ra không hề dễ dàng ở những nơi người dân không biết chữ và không thể đọc được. Khi nhìn vào bản đồ ở trên, bạn sẽ thấy, các nước hiện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch Ebola - Guinea, Liberia và Sierra Leone (được khoanh vòng tròn xanh lục) cũng là những quốc gia có tỉ lệ biết chữ thấp nhất trên thế giới.

3. Nhiễu loạn đồn đại về Ebola

Tỉ lệ biết chữ thấp, việc ít tiếp cận với các thông tin y tế chính thống và chiến dịch tuyên truyền chậm trễ chỉ nhen nhóm vô số lời đồn đại về Ebola. Hiện vẫn chưa có cách chữa trị Ebola nào được chứng thực, nhưng các lời dối trá về cách điều trị căn bệnh nan y đã lan truyền rất nhanh. Một lầm tưởng vẫn còn dai dẳng là, nước nóng và muối có thể ngăn chặn Ebola. Số khác lại quả quyết, phương pháp chữa bệnh bằng cầu kinh hay sôcôla nóng, cà phê và hành sống tiêu diệt được virus. Phép vi lượng đồng căn thậm chí cũng được cho là có tác dụng loại bỏ mầm bệnh chết người.

Ở Mỹ, Cục quản lý Thực phẩm và dược phẩm (FDA) đã khuyến cáo người dân phải cảnh giác với các cách chữa trị Ebola của "lang băm". Trong khi đó, các quan chức phụ trách y tế của châu Phi đã sáng tạo ra một cách độc đáo để lật tẩy những lời đồn thổi lừa dối. Bài hát nhạc dance có tựa đề "Ebola in Town" mới ra đời đã ngay lập tức thu hút sự chú ý. Nội dung bài hát đề cập trực tiếp về cách tránh bệnh: "Ebola, Ebola đang ở trong thành phố. Đừng chạm vào bạn của bạn! Không hôn, không ăn thứ gì đó. Việc ấy rất nguy hiểm!".



Một đám đông biểu tình đã tập kích một trung tâm cách ly Ebola ở khu ổ chuột West Point tại ngoại ô thủ đô Monrovia, Liberia hôm 16/8 và la lớn khẩu hiệu "Không có Ebola". (Ảnh: Word Press)

Ở Lagos, Nigeria, chính quyền địa phương đã phải nhờ cậy tới một "nhà kiểm soát lời đồn đại" nhằm phát động cuộc chiến chống lại việc truyền tin sai lệch đang diễn ra. "Bản thân các lời đồn đại thực sự có thể gây ra nhiều tổn hại", Jide Idris - ủy viên phụ trách y tế trong hội đồng bang Lagos, nhấn mạnh.

Và ông Idris có lí do để lo lắng. Một số nhà quan sát nói rằng, nếu bệnh Ebola khởi phát ở Lagos, thành phố đông dân nhất châu Phi với 22 triệu cư dân, nó có thể ngay lập tức biến thành một cuộc khủng hoảng khắp thế giới.

4. Các nước bùng phát dịch nghèo nhất châu Phi, với hệ thống y tế dễ đổ vỡ

Trước khi dịch Ebola bùng phát, 3 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong năm nay là Sierra Leone, Liberia và Guinea có các hệ thống y tế vô cùng yếu kém, cũng như chẳng có mấy tiền để chi dùng cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Không đầy 100 USD được đầu tư cho mỗi người, mỗi năm trong lĩnh vực y tế ở hầu hết châu Phi. Các nước này cũng đang đối mặt với tỉ lệ tử vong của bà mẹ và trẻ em thuộc loại cao nhất thế giới hiện nay.


Các vùng biên giới bị đóng cửa do dịch Ebola, tính tới ngày 31/8. (Ảnh: CDC)

Vì vậy, các nguồn lực của những nước này đã bị kéo căng cực điểm khi Ebola tấn công. Daniel Bausch, giáo sư Trường Y tế công và Thuốc nhiệt đới thuộc Đại học Tulane, người đang hợp tác với WHO, kể: "Nếu bạn đang có mặt trong một bệnh viện ở Sierra Leone hay Guinea, sẽ chẳng có gì bất thường khi bạn yêu cầu đôi găng tay để đeo khám cho bệnh nhân và nhận được câu trả lời rằng "Chúng tôi hiện không có găng tay trong bệnh viện" hay "Chúng tôi hết kim tiêm sạch rồi" - tất cả những thứ bạn cần để bảo vệ mình trước virus Ebola".

Trong những điều kiện như trên, các nhân viên y tế địa phương - đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của bệnh - bắt đầu hoảng sợ và rời bỏ công việc của họ. Và tình hình đang ngày càng xấu đi.

Ở Liberia, các y tá đã tiến hành biểu tình vì Ebola. Khi có mặt tại Sierra Leone hồi tháng 7, ông Bausch cũng chứng kiến tình cảnh hỗn loạn vì một cuộc biểu tình tương tự của các y tá. Ông Bausch cho biết, một phòng điều trị cách ly Ebola chỉ có 2 bác sĩ với 55 bệnh nhân. Khi tới bệnh viện vào một buổi sáng, ông thậm chí chứng kiến nhiều bệnh nhân nằm ngã vật trên sàn, trong vũng hỗn hợp máu, dịch nôn và phân.

"Điều đáng lẽ phải xảy ra là một nhân viên y tá hoặc hộ lý hay chuyên gia vệ sinh sẽ tới và khử trùng, dọn dẹp sạch khu vực. Nhưng khi bạn không có được sự hỗ trợ đó, tình hình thực sự sẽ nghiêm trọng hơn", ông Bausch nhấn mạnh. Và vì lẽ đó, bệnh không ngừng lây lan rộng hơn.

5. Các hệ thống giám sát bệnh dịch nhiều lỗ hổng

Các nước Tây Phi đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cũng có các hệ thống giám sát bệnh dịch đầy sơ hở. Ngược lại, những nơi có thể chống lại virus Ebola trong quá khứ, chẳng hạn như Uganda, sở hữu các hệ thống giám sát bệnh dịch rất mạnh, theo Estrella Lasry, cố vấn về các loại thuốc nhiệt đới cho tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF).

Tại Uganda, các trường hợp nghi nhiễm Ebola đã được kiểm tra và chứng thực nhanh chóng. Thông tin cũng được lan truyền khắp hệ thống giám sát của nước này càng nhanh càng tốt, để các biện pháp phòng ngừa và chiến dịch tuyên truyền y tế được thực hiện ngay lập tức.

Chuyên gia Lasry cho rằng, dù không có cách nào phòng ngừa hoàn toàn một đợt bùng phát dịch khác xảy ra, chúng ta có thể ngăn chặn sự lây lan bằng cách thực thi các biện pháp phù hợp để có thể nhận diện Ebola và chặn đựng sự truyền nhiễm càng nhanh càng tốt.


Cuộc chiến chống sự hoành hành của Ebola ở Tây Phi đang gặp khó khăn do sự thiếu hụt nhân lực, các hệ thống giám sát và chăm sóc y tế yếu kém cùng phản ứng chậm chạp của cộng đồng quốc tế. (Ảnh: EPA)

6. Cộng đồng quốc tế phản ứng quá chậm

"Ebola là căn bệnh có thể phòng ngừa được. Chúng ta đã có hơn 20 lần dịch bùng phát trước đây và đều tìm được cách kiểm soát chúng", Lawrence Gostin, giáo sư chuyên ngành luật y tế thuộc Đại học Georgetown (Mỹ), khẳng định. Dẫu vậy, vào thời điểm này, phản ứng của cộng đồng quốc tế không làm được điều đó.

Ông Gostin cho rằng chúng ta đã thiếu sự huy động, chẳng hạn như WHO đã không kêu gọi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng mãi tới tận tháng 8, 5 tháng sau vụ lan truyền bệnh Ebola liên biên giới đầu tiên. Một phần nguyên nhân của phản ứng chậm chạp này có thể do các cắt giảm ở WHO, khiến tổ chức này thiếu nhân viên và nguồn lực.

Tuy nhiên, ông Gostin nói, dịch Ebola hiện thời cũng hé lộ, các hệ thống toàn cầu của chúng ta được thiết kế yếu kém và thiếu khả năng đối phó với bệnh dịch như thế nào. Trong một bài viết đăng tải trên tạp chí Lancet, ông Gostin đề xuất giải pháp khắc phục sự thiếu hụt về nhân lực cũng như các hệ thống y tế dễ đổ vỡ để tăng tính hiệu quả cho các phản ứng quốc tế trước dịch bệnh trong tương lai.

7. Các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ngày càng dính líu với nhau

Đối tượng truyền nhiễm đáng lo ngại nhất trong bất kỳ đại dịch hay dịch bệnh nào là các lữ khách. Và trong đợt dịch lần này, cả 3 nước Tây Phi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đang chia sẻ các đường biên giới có quá nhiều lỗ hổng, khiến bệnh có thể dễ dàng phát tán ở những người đi lại đây đó để làm việc hoặc đi chợ.

Tuy nhiên, tiến sĩ Bausch nhận định, dịch bùng phát ở Tây Phi lần này gợi nhắc rằng, chúng ta đang sống trên một hành tinh ngày càng gắn kết. Đây là một thông lệ mới, và nó sẽ định hình lại cách các quan chức y tế đánh giá về sự tiến triển của bệnh Ebola.

Tiêu đề đã được khoahoc.tv đổi lại.

Theo Vox/Vietnamnet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video