Chế tạo ra những thiết bị vừa và nhỏ nên thạc sĩ Hoàng Tiến Cường, Viện Công nghệ Hóa học cho rằng, mình “có làm được gì đâu”. Nhưng hiệu quả ứng dụng các chế tạo của anh không nhỏ chút nào.
Hoàng Tiến Cường sinh ra và lớn lên vào những năm 1960 ở Thủ đô Hà Nội, thời mà thanh niên thường có khuynh hướng học những ngành tổng hợp. Có lẽ ít người nghĩ ước mơ của anh lại là: “mong được sáng tạo ra những chiếc máy công nghệ hóa để xử lý các vấn đề của cuộc sống”.
Tìm đến cuộc sống để… tự đặt hàng
Mong ước cộng với sự nỗ lực và khả năng học tập đã giúp Hoàng Tiến Cường giành suất học bổng du học chuyên ngành “Máy và thiết bị cho sản xuất hóa chất” tại Trường chế tạo máy hóa của Moscow.
Thạc sĩ Hoàng Tiến Cường giải thích về ống hút khí do ông chế tạo. Ảnh: Mai Phương |
Sau khi tốt nghiệp đại học, người kỹ sư trẻ không xin làm việc tại những đơn vị lớn, có tiếng mà về Nhà máy đường Khánh Hội thuộc Công ty Liên hiệp mía đường II.
Theo anh Cường: “Nếu làm ở công ty, tôi sẽ xa rời thực tế, khó thu lượm được những yêu cầu hằng ngày của cuộc sống”. Từ những năm 1980, anh đã hiểu rằng cuộc sống là nơi đặt hàng… thiết thực nhất cho các nhà khoa học. Chỉ đến năm 1988, Hoàng Tiến Cường mới về đầu quân cho Phòng Hóa ứng dụng, Viện khoa học - công nghệ Việt Nam,
Về Viện Khoa học công nghệ Việt Nam không lâu, Tiến Cường và đồng nghiệp tại Phòng Hóa ứng dụng đã trình làng dây chuyền trích ly HUMIC từ than bùn được dùng rộng rãi để kích thích tăng trưởng tự nhiên cho cây trồng và vật nuôi.
Để làm được sản phẩm đó, thạc sĩ Hoàng Tiến Cường và các cộng sự đã gặp nhiều những khó khăn. “Hồi đó, vật tư không sẵn nên chúng tôi làm việc theo quy trình ngược, nghĩa là thay đổi thiết kế theo những gì tìm được ngoài thị trường; giống như “đẽo chân cho vừa… giày vậy”.
“Mèo nhỏ bắt… chuột con”
Năm 1992, anh chuyển sang làm việc cho các công ty trong Viện khoa học - công nghệ Việt Nam. Khi đó, độ chín trong nghiên cứu khoa học giúp anh có nhiều ý tưởng “lạ” như làm lò đốt rác y tế, hệ thống xử lý khí cấp, thiết bị sấy, chế biến thực phẩm… “Không nghĩ đến chế tạo là tôi như một người khác, không còn là mình nữa”, anh bày tỏ.
Dù nhận được nhiều giải thưởng khoa học, anh vẫn tự nhận mình chỉ “là mèo nhỏ bắt chuột con”. Trước một số đơn đặt hàng anh Cường cũng nói lời từ chối. “Nhiều người cứ nghĩ tôi…chảnh, nhưng tôi không muốn làm mà không đạt chất lượng như mong muốn”, anh nói.
Thạc sĩ Hoàng Tiến Cường đang tiếp tục tìm tòi, thiết kế, chế tạo sản phẩm “vừa và nhỏ” trong lĩnh vực xử lý môi trường, giảng dạy nghiên cứu, chế biến thực phẩm…
Nói về quan niệm làm công nghệ “vừa và nhỏ” của mình, anh cho biết, đó là sản phẩm làm vừa với sức mình, để phục vụ công tác sản xuất của các đơn vị, doanh nghiệp “vừa và nhỏ”.