Nhà khoa học nữ chuyên "thuần hóa" chất thải

Làm lành tính chất thải thô gây hại cho môi trường từ lâu là công việc quen thuộc của PGS Đồng Kim Loan.

Chất thải thô, chưa qua xử lý từ quá trình sản xuất và sinh hoạt của con người được ví như "con thú hoang" hung hăng, gây hại cho môi trường và con người. Hơn 20 năm qua, PGS Đồng Kim Loan, giảng viên Bộ môn Công nghệ Môi trường, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã dành phần lớn thời gian nghiên cứu tìm giải pháp để cảm hóa những "con thú hoang" ấy.


PGS Đồng Kim Loan. (Ảnh: NVCC).

Công tác ở bộ môn Công nghệ Môi trường, PGS Loan được giới khoa học trong nước biết đến nhiều khi bà nghiên cứu và đưa ra bộ kit thử và phương pháp xác định nhanh amoni trong các nguồn nước cấp cho sinh hoạt và ăn uống thời điểm năm 2002.

Khi đó đọc thông tin và nghe người dân ở Hà Nội phàn nàn về tình trạng nước sinh hoạt có màu đục như nước gạo, mùi hôi, đun sôi không chín thức ăn... do nguồn nước ở một số nơi chứa lượng lớn amoni từ chất thải sinh hoạt của con người, PGS Loan nóng lòng tìm giải pháp. Xử lý amoni trong nước không khó, cái khó là xác định vị trí và mức độ nhiễm amoni ở nhiều địa điểm khác nhau. Điều này yêu cầu việc phân tích mẫu phải nhanh, hiệu quả và dễ dàng để chính người dân có thể tự thực hiện.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bà thấy phương pháp Berthelot (nhận biết hàm lượng amoni thông qua màu của hợp chất tạo thành giữa phenol và amoni bằng thuốc thử) đạt yêu cầu đặt ra. Nhưng điểm khó khăn của phương pháp này để bảo quản được lâu, đa phần thuốc thử amoni trên thế giới ở dạng bột, muốn sử dụng phải nghiền nhỏ, hòa tan... gây khó sử dụng và tốn thời gian.

PGS Đồng Kim Loan cùng tập thể giảng viên, sinh viên Bộ môn Công nghệ môi trường quyết tâm tìm ra cách thức kéo dài thời gian lưu giữ thuốc thử, rút ngắn thời gian xác định, đơn giản cách sử dụng và đảm bảo độ chính xác của kết quả. Mất hơn 4 năm trong bối cảnh thiếu trang thiết bị, máy móc, hóa chất, nhưng hàng nghìn mẫu thử được thực hiện, bà và nhóm nghiên cứu đã thành công và hoàn thiện sản phẩm.

"Cứ mỗi mẫu thử, chúng tôi phải thêm chất này, bớt chất kia, công việc lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng tôi không nản chí mà càng khiến tôi hăng say với dự án nghiên cứu này", PGS Đồng Kim Loan chia sẻ. Thuốc thử của bà ra đời ở dạng lỏng, thời gian lưu kho kéo dài 6 tháng, có giá 1.500 đồng/kit thử (bằng 1/20 so với thuốc thử ngoại nhập). Người dùng chỉ cần cho thuốc thử vào mẫu nước, sau 5 phút, dựa vào màu sắc của hợp chất xuất hiện xét theo bảng màu, có thể nhận biết được mức độ nhiễm amoni của mẫu nước đó. Bộ kít được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng sáng chế độc quyền số VN 1-0014798 năm 2015.

Truyền đam mê cho lớp trẻ

Nhớ lại những ngày đầu tốt nghiệp Khoa Hóa, Đại học Tổng hợp năm 1977, cô nữ sinh tên Loan năm ấy chọn về làm nghiên cứu viên tại Viện Dầu khí Việt Nam. Mãi đến năm 1995, khi theo học Thạc sỹ chuyên ngành Công nghệ môi trường, tình yêu với ngành khoa học môi trường cũng gắn kết từ đó.

Từ đây niềm đam mê nghiên cứu khoa học về môi trường của bà được truyền lửa dưới sự dìu dắt của GS Lâm Ngọc Thụ - một chuyên gia về thuốc thử hữu cơ. Chính những công việc nghiên cứu hàng ngày khiến bà dần nhận ra đam mê và nuôi ý chí làm sâu về môi trường nhưng theo hướng công nghệ xử lý, tận dụng chất thải. Dự án đầu tiên mà bà thực hiện phải kể đến đề tài nghiên cứu về xử lý nước thải ngành sản xuất giấy và bột giấy.

Nghiên cứu này của bà đã chỉ rõ mức độ ô nhiễm của nước thải từ việc sản xuất bột giấy. Đây cũng là đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên về lĩnh vực môi trường của bà nhưng góp phần quan trọng giúp cơ quan chức năng ra quyết định xử lý đối với các cơ sở sản xuất bột giấy gây ô nhiễm môi trường.


PGS Đồng Kim Loan trong phòng thí nghiệm. (Ảnh: Phan Minh).

Tiếp sau đó PGS Đồng Kim Loan dành thời gian nghiên cứu giải pháp xử lý nước thải bệnh viện, dệt nhuộm rồi đến chất thải rắn... "Tôi luôn tìm hiểu các vấn đề liên quan xâu chuỗi với mục tiêu đề tài đã đặt ra để từng bước giải quyết từ gốc đến ngọn của sự ô nhiễm", bà Loan nói và cho biết bên cạnh những đề tài nghiên cứu với mục đích xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, bà và các cộng sự cũng không ngừng tìm kiếm các giải pháp tận dụng nguồn tài nguyên phế thải – "tài nguyên chưa được đặt đúng chỗ" - thành sản phẩm hữu ích, phục vụ cả cho khoa học và cộng đồng theo hướng sản xuất sạch hơn.

Theo bà, tất cả các chất thải nếu thuần hóa đúng cách không những bảo vệ được môi trường mà còn là nguồn tài nguyên vô giá, mang lại nhiều lợi ích cho con người.

Những ngày đầu tháng 3/2019, Bộ môn Công nghệ Môi trường, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên vinh dự được nhận Giải thưởng Kovalevskaia 2018 vì có 16 thành viên đạt nhiều thành tích trong lĩnh vực công nghệ xử lý, tận dụng chất thải và phân tích đánh giá chất lượng môi trường, PGS Đồng Kim Loan vui vì đóng góp phần nào vào thành công này.

Là cán bộ tham gia xây dựng bộ môn từ những ngày đầu, bà nghỉ hưu năm 2017. Hơn 20 năm công tác "tài sản" của PGS Đồng Kim Loan có được không chỉ là những công trình, dự án nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao, bà còn hướng dẫn, truyền cảm hứng cho nhiều sinh viên theo sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Với những đóng góp đó, bà từng vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng và Bộ Khoa học và Công nghệ vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học công nghệ cùng nhiều bằng khen cấp trường, hội nữ trí thức...

PGS Loan tâm sự, việc nghiên cứu khoa học ngày càng thuận lợi bởi Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, khoa học kỹ thuật được chú trọng, công nghệ máy móc được trang bị đầy đủ hơn nên bà mong sẽ có nhiều bạn trẻ tiếp tục nghiên cứu những giải pháp hữu ích bảo vệ môi trường.

Về phần mình, bà "chỉ mong có sức khỏe để có thể tham gia đóng góp vào các vấn đề môi trường. Trong tương lai, môi trường luôn nảy sinh các vấn đề mới cần phải giải quyết. Trong tận đáy lòng, tôi vẫn muốn được tham gia", PGS Loan nói về khát vọng tiếp tục được cống hiến.

Cập nhật: 06/03/2019 Theo VNE
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video