Cách cỗ máy đánh chữ 5.400 ký tự của IBM bị chinh phục bởi một người phụ nữ

Năm 1947, Kao Chung-chin, một kỹ sư người Mỹ gốc Hoa làm việc tại tập đoàn công nghệ IBM đã chế tạo ra một chiếc máy đánh chữ Trung Quốc. Chiếc máy được kỳ vọng sẽ giúp hãng đặt được dấu chân đầu tiên lên thị trường Trung Quốc rộng lớn và đầy tiềm năng.

Và nó là một cỗ máy đáng gờm, với kết cấu cho phép hiển thị 5.400 ký tự Trung Quốc cùng hệ thống chữ cái tiếng Anh, dấu chấm câu, chữ số và các kỹ hiệu khác. Và tất cả chúng được tạo ra từ một bàn phím chỉ gồm 36 phím, được chia thành bốn hàng: 0 đến 5; 0 đến 9; 0 đến 9; và 0 đến 9.

Để gõ một ký tự tiếng Trung, người dùng cần nhấn tổng cộng 4 phím - một phím từ một hàng - và nó giống như việc chơi một hợp âm trên đàn piano. Ví dụ, nếu bạn muốn nhập từ có mã số 4862, bạn sẽ nhấn 4-8-6-2 và máy sẽ gõ ra đúng ký tự tương ứng.

Mỗi mã gồm bốn chữ số này tương ứng với một ký tự được khắc trên trống quay bên trong máy đánh chữ. Chiếc trống quay này có đường kính 17,78 cm và chiều dài 28 cm, có thể quay liên tục với tốc độ 60 vòng/phút.

Nhưng ai có thể sử dụng được chiếc máy đánh chữ này, bởi nó đòi hỏi người dùng phải có một trí nhớ siêu phàm lên tới hàng nghìn mật mã.


Một bức ảnh công khai về phát minh của Kao Chung-Chin.

Lois Lew và hệ mã bốn chữ số

Khi chiếc máy đánh chữ tiếng Trung của IBM được ra mắt thế giới, Lois Lew là công nhân tại Phòng 76 của Nhà máy số 3 của IBM ở Rochester, New York, Mỹ.

Cô có một tuổi thơ đầy bất ổn, giữa thời loạn lạc, khi lưu lạc cũng gia đình từ Mỹ sang Trung Quốc và ngược lại. Ở tuổi 16, Lew đã mạo hiểm thực hiện một chuyến đi xuyên Thái Bình Dương một mình để trở lại Mỹ. Khi đó, cô chỉ có thể nói và hiểu được một vài từ tiếng Anh. Sau đó, cô kết hôn và có cơ hội vào IBM làm nhân viên đánh máy cùng em chồng của mình ở bang New Jersey.

Sau đó, khi chiếc máy đánh chữ Trung Quốc của IBM được công bố với thế giới, đột nhiên, công ty - và trên hết là nhà phát minh ra thiết bị này, Kao Chung-Chin - cần tìm những người đánh máy biết tiếng Trung Quốc để giúp trình diễn sản phẩm ở cả Mỹ và Trung Quốc. Lew và em chồng mình được triệu tập đến để gặp mặt trực tiếp với Kao. Nhưng rồi em chồng cô bất ngờ mắc bệnh lao và cần phải nhập viện, vì vậy Lew đã thực hiện cuộc hành trình này một mình, như cách cô đã trải qua rất nhiều lần khi còn nhỏ.

⁠Khi Kao đọc sơ yếu lý lịch của Lew, thứ nói rằng cô gái trẻ này không thể hiện điều gì giống như có một nền tảng giáo dục, anh rõ ràng không hài lòng.

"Bạn có biết cách đánh vần từ 'bách khoa toàn thư không?'", Kao hỏi.

Đó là một câu hỏi kỳ lạ và thậm chí mang tính xúc phạm. Lew biết Kao đang suy nghĩ gì: Anh ta đang kiểm tra cô, thất vọng vì cô không được học hành bài bản. Nhưng cô cũng biết rằng những nghi ngờ của Kao là đúng. Cô không biết đánh vần từ này. Cố ngăn những giọt nước mắt trực chờ lăn xuống, Lew muốn chạy ngược xuống thang máy, trở về căn phòng cô đang thuê, và có lẽ là quay trở lại Rochester.

"Anh có muốn tôi về nhà không?", cô hỏi.


Lois Lew bên chiếc máy đánh chữ vào cuối những năm 1940.

Kao nhìn cô, và sau đó quay đi. Căn phòng chìm vào im lặng. Quyết định của Kao dường như mất cả cuộc đời. Đây là Lew, một công nhân nhà máy IBM thậm chí không có bằng cấp trung học phổ thông, người đã thất bại trong bài kiểm tra chính tả cơ bản ngay trong giây phút mở đầu của cuộc phỏng vấn. Câu hỏi của cô ấy đặt ra đang quanh quẩn trong căn phòng: Anh có muốn tôi về nhà không?

Tuy nhiên, điều mà Lew không thể biết vào thời điểm đó là Kao cần cô nhiều hơn cô cần anh. Trước Lew, đã có một nhân viên đánh máy khác - một phụ nữ trẻ khác tên là Grace Tong - người mà Kao đã thuê để trình diễn chiếc máy cho các nhà báo và giám đốc điều hành. Tong là tất cả những gì Kao muốn ở một trợ lý. Cô có học đại học. Chồng cô là Yanghu Tong, một kỹ sư tài năng. Hơn nữa, cô còn là con dâu của một nhà ngoại giao và nhà báo có tên tuổi của Trung Quốc.

Nhưng sau đó kế hoạch của Kao đã bị giáng một đòn nặng nề. Vì lý do không thể xử lý hệ thống nhập mã phức tạp, Tong đã từ bỏ công việc. Và giờ, Kao đang cần một người thay thế, lý tưởng nhất là một người có tất cả các đặc điểm giống Tong.

Đối với Kao, Lew không phải là ứng cử viên lý tưởng. Dù vậy, cô vẫn là cơ hội tốt nhất cuối cùng của Kao trong việc chiến thắng những nhà báo và người mua đang nghi ngờ về tính khả thi của chiếc máy này. Nếu thế giới tin rằng hệ thống của anh ta có thể sử dụng được - đặc biệt là hệ thống mã hóa mà nó dựa vào - thì công việc của Lew là thuyết phục họ.

"Không", Kao cuối cùng trả lời. "Có điều gì khác ở cô". Kao dừng lại và sau đó thở dài. "Tôi không có lựa chọn. Tôi phải thử".

"Hãy lấy biểu đồ này", Kao hướng dẫn Lew. "Quay lại khách sạn của bạn và ghi nhớ mã 4 chữ số cho một trăm ký tự."

Trong vài ngày tiếp theo, Lew dành toàn bộ tâm trí vào bảng mã của Kao. Cô biết rằng mọi thứ sẽ phụ thuộc vào khả năng ghi nhớ bộ mã khởi động này của mình.

Trò chơi ghi nhớ

Sau cuộc gặp gỡ căng thẳng đầu tiên với Kao, Lois đã dành một tuần để nghiền ngẫm thứ mà anh đưa cho, cố gắng ghi nhớ các mã bốn chữ số cho đợt thử việc đầu tiên, gồm một trăm ký tự. Cô đã thành công và nhận được công việc này. Và thế là bắt đầu một cuộc hành trình không lường trước được, một cuộc hành trình sẽ đưa cô đi ngược lại Thái Bình Dương, từ Mỹ qua Trung Quốc.

Thời gian thử việc sau đó đã nhường chỗ hoàn toàn cho chế độ tập luyện. Trong khoảng thời gian ba tuần, Lew sẽ cần học thuộc lòng các mã gồm bốn chữ số cho 1.000 ký tự Trung Quốc được sử dụng phổ biến nhất.


Hình ảnh từ bằng sáng chế máy đánh chữ của Kao Chung-Chin.

Mọi nỗ lực này đã được đền đáp. Sau khi hoàn thành quá trình đào tạo, Lew trở thành người trình diễn chính của Kao Chung-Chin cho chiếc máy, trong các buổi trình diễn được tổ chức trên khắp Boston, New York và San Francisco. Người phụ nữ trẻ Trung Quốc này trở nên vô cùng nổi bật đã tạo được ấn tượng mạnh.

"Ngón tay của tôi bị sưng đỏ", cô nhớ lại. "Nên tôi đã đeo một đôi găng tay nylon. Họ chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như vậy."

Và sau đó là chuyến đi đến Trung Quốc.

Lần cuối cùng Lew đi du lịch bằng tàu xuyên Thái Bình Dương, khi còn là một thiếu niên, là hành trình mình chạy trốn và hẹn gặp một người chồng sắp cưới mà cô chỉ từng thấy trong các bức ảnh. Lần này, cô đã là một phụ nữ trưởng thành, được hỗ trợ bởi hai kỹ sư IBM và một nhà phát minh người Trung Quốc. Tất cả các bữa ăn của cô đều được trả tiền, cũng như một tủ quần áo hoàn toàn mới, giống như một ngôi sao điện ảnh.

Cuộc tiếp đón sau đó tại Thượng Hải cũng rất long trọng. Thị trưởng thành phố đã đợi họ ở bến tàu, cùng với các nhiếp ảnh gia. Lew và cả đội được chiêu đãi những bữa ăn thịnh soạn và ở tại một trong những khách sạn đẹp nhất thành phố. Cuộc trình diễn đầu tiên diễn ra tại trụ sở IBM Trung Quốc.

Ngày 20/10/1947, Kao và Lew đã trình diễn chiếc máy đánh chữ này tại khách sạn Park ở Thượng Hải, tòa nhà cao nhất châu Á khi đó. Tham dự có các nhà khoa học, các quan chức chính quyền địa phương và các báo đài. Ở Nam Kinh sau đó, cuộc trình diễn thậm chí còn hoành tráng hơn, trong một khán phòng rộng lớn với sức chứa 3.000 người. Cả nhóm đã được gặp gỡ các quan chức cấp cao của chính phủ, và chuyến đi đã được đưa tin rộng rãi trên báo chí.


Lew đã xuất hiện trên các tài liệu quảng cáo của IBM.

Nhưng Lew không cảm thấy áp lực. Cô đã quen với ánh đèn sân khấu. New York, Boston, San Francisco, hay tại chính IBM, tất cả những kinh nghiệm này đã khiến cô dày dặn, giống như một nghệ sĩ biểu diễn kỳ cựu của Hollywood. Trong khi Kao Chung-Chin tỏ ra lo lắng khi đứng trước 3.000 người xem, Lew được giao hết bài báo này đến bài báo khác. Công việc của cô là chép lại chúng trên chiếc máy đánh chữ tiếng Trung.

Nói cách khác, Lew phải làm cùng lúc nhiều công việc. Cô phải dịch nhiều đoạn văn, mỗi đoạn có hàng trăm ký tự Trung Quốc, sang các mã gồm bốn chữ số tương ứng của chúng. Và toàn bộ việc dịch này hoàn toàn diễn ra trong tâm trí. Cùng lúc đó, tay cô phải nhập các mã này vào máy mà không có độ trễ hoặc bất kỳ lỗi đánh máy nào. Và trong suốt quá trình, cô cũng phải luôn duy trì sự duyên dáng, điềm tĩnh, thậm chí là một nụ cười trên môi.

Kao và Lew đã chuẩn bị cho tất cả những điều này. Trong quá trình luyện tập, cô đã được ghi nhớ nhiều chữ cái, theo các phong cách khác nhau. Cô đã ghi nhớ tất cả chúng.

Mức độ phủ sóng của các màn trình diễn của Lew và Kao ở Trung Quốc phổ biến và tích cực. Các câu chuyện thậm chí đã xuất hiện trên mọi tờ báo, tạp chí quốc tế nổi tiếng như Science, Signs of the Times, City Affairs Weekly, Science Pictorial, Science Monthly... và nhiều tạp chí khác. Các nhà xuất bản rõ ràng đã say mê vẻ đẹp của Lew. Gương mặt của cô sớm xuất hiện trên các tờ rơi quảng cáo và trong cả các bộ phim...


Trống xoay bên trong chiếc máy đánh chữ này quá lớn so với các mẫu máy đánh chữ phương Tây.

Cuối con đường

Đáng tiếc rằng mọi thứ lại không ủng hộ phát minh của Kao. Cuối những năm 1940, ông ngày càng thấy rõ rằng dự án của mình đã thất bại. Bất kể thành công của chuyến lưu diễn Trung Quốc và chuyến lưu diễn Mỹ trước đó, hay cả màn trình diễn xuất sắc của Lew, Kao chỉ đơn giản là không thể thuyết phục thế giới rằng hệ thống mã hóa của anh ấy là điều gì đó thực tế.

Thiết kế của nó khiến người vận hành phải mất 2 tháng để học viết những câu đơn giản, 4 tháng để đạt được tốc độ tối đa 45 từ/phút. Các vấn đề về địa chính trị sau đó ở Trung Quốc cũng ảnh hưởng lớn tới kế hoạch của IBM và chiếc máy đánh chữ tiếng Trung này đã không bao giờ được đưa ra thị trường.

Đối với Lois Lew, cuộc sống sau sự kiện tại IBM đã đưa cuộc đời cô đi theo một hướng hoàn toàn khác. Cô và chồng bắt đầu mở một tiệm giặt là của riêng mình và tái đầu tư thu nhập của họ, cùng với thu nhập từ IBM, để mở ra một nhà hàng Trung Quốc ở Rochester vào năm 1968. Nhà hàng này đã hoạt động trong nhiều thập kỷ, trở thành trụ cột của thành phố, trước khi kết thúc mọi hoạt động vào năm 2007.


Lois Lew tạo dáng cạnh bộ phim năm 1947 có hình ảnh bản demo chiếc máy đánh chữ của cô năm nào. Ảnh chụp năm 2019.

Bây giờ ở tuổi 90, Lois Lew vẫn khỏe mạnh, hoạt bát và đầy năng lượng. Bà đi bơi mỗi tuần một lần, mỗi lần ba giờ. Bà thích ăn uống và vẫn là bạn thân của những nhân viên cũ trong nhà hàng của mình. Nhìn lại quãng thời gian làm việc tại IBM, bà nói rằng chỉ có một điều hối tiếc nhất,

"Lẽ ra tôi có thể mua cổ phiếu của IBM. Nhưng thay vào đó, tôi lại mua trái phiếu chiến tranh. Thật ngốc nghếch!", Lew nói.

Và người phụ nữ này vẫn nhớ rõ ràng những con số trong dãy mã hóa của chiếc máy đánh chữ năm nào.

Cập nhật: 02/06/2021 Theo Pháp luật và bạn đọc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video