Các nhà nghiên cứu gặp phải triệu chứng như uể oải, buồn nôn, đau đầu, sau nhiều giờ hít khí cười sinh ra từ phân chim cánh cụt hoàng đế ở Nam Cực.
Chim cánh cụt hoàng đế ở Nam Cực. (Ảnh: Carbon Brief).
Chim cánh cụt hoàng đế ở Nam Cực đang thải ra lượng lớn khí cười (nitơ oxit hay N2O) qua phân nhiều đến mức các nhà khoa học bị "say" khi nghiên cứu chúng, theo bài báo công bố hôm 4/5 trên tạp chí Science of The Total Environment. Theo giáo sư Bo Elberling ở Khoa Khoa học địa chất và Quản lý tài nguyên thiên nhiên của Đại học Copenhagen, Đan Mạch, trưởng nhóm nghiên cứu, phân chim cánh cụt tạo ra lượng khí cười cực cao xung quanh đàn của chúng.
Trong lúc nghiên cứu các đàn chim cánh cụt hoàng đế trên đảo Nam Georgia ở Đại Tây Dương, nằm giữa Nam Mỹ và Nam Cực, nhóm nghiên cứu bị "say" khi bị vây giữa đám phân chim đồ sộ. Ngoài tác động tới khí hậu, nitơ oxit còn có hiệu quả tương tự loại khí cười an thần mà các bác sĩ nha khoa thường sử dụng. Sau khi nhiều giờ tiếp xúc với phân chim, một thành viên nhóm nghiên cứu bị "đơ", vài người khác cảm thấy buồn nôn và đau đầu vì say khí N2O, Elberling cho biết.
N2O gây ô nhiễm môi trường nhiều gấp 300 lần so với carbon dioxide. N2O là kết quả từ chế độ ăn chứa nhiều nhuyễn thể và cá chứa lượng nitơ cao của chim cánh cụt. Nitơ được giải phóng từ phân chim vào đất, sau đó vi khuẩn trong đất biến đổi nó thành khí nhà kính N2O.
"Dù lượng khí thải N2O trong trường hợp này không đủ tác động tới quỹ năng lượng của Trái Đất, phát hiện của chúng tôi mang lại hiểu biết mới về tác động của đàn chim cánh cụt tới môi trường xung quanh chúng. Điều này rất thú vị bởi những đàn chim cánh cụt đang phân bố ngày càng rộng hơn", Elberling nói.