Nhà kinh tế học khám phá ra "hình vuông bí ẩn" tại Kazakhstan bằng Google Earth

Những cấu trúc đá kì lạ khổng lồ này có thể sẽ cho ta một cái nhìn khác về những tộc người cách ta cả chục ngàn năm.

Từ bầu trời Kazakhstan nhìn xuống, ta phát hiện ra một bí ẩn mà đến cả các nhà khoa học hàng đầu vẫn không thể giải thích: một bí ẩn khổng lồ từ ngàn xưa vẫn nằm trên nền đất.

Những tấm ảnh được chụp từ vệ tinh về một vùng xa xôi hẻo lánh, một thảo nguyên khô cằn không cây cối nằm phía Bắc Kazakhstan cho ta thấy những ụ đất xếp thành hình dáng nhất định, rõ ràng là nhân tạo. Đó là những vòng tròn, những được thẳng, những hình chữ thập rộng bằng vài sân vận động. Chúng được đặt tên là Những Cấu trúc đá Thảo nguyên - Steppe Geoglyphs.

Những cấu trúc ấy chỉ có thể thấy được từ trên cao, và những khu vực lâu đời nhất ước tính có tuổi đời từ hơn 8.000 năm trước, khu vực rộng lớn nhất là một hình vuông khổng lồ được tạo nên bởi 101 ụ đất nhỏ, che phủ một tổng diện tích lớn hơn cả Kim tự tháp Lớn Cheops.


Hình vuông Ushtogaysky.

Lần đầu tiên những cấu trúc đá kì lạ này được phát hiện là hồi năm 2007 nhờ công cụ Google Earth, bởi một nhà kinh tế học nhưng lại là một người thích nghiên cứu khảo cổ, Dimitriy Dey. Cho tới nay, chúng vẫn là một bí ẩn chưa được giải đáp.

“Tôi chưa bao giờ thấy cái gì như thế; quả là một phát hiện đáng chú ý”, Compton J. Tucker, nhà khoa học sinh quyển lão thành tại NASA nói. Và ông cũng bổ sung thêm rằng NASA hiện đang tiến hành “vẽ lại bản đồ toàn bộ khu vực này”, cập nhật thêm nó vào danh sách các sứ mệnh cần các nhà phi hành gia hiện đang có mặt trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS thực hiện.

“Tôi không nghĩ rằng những hình này được tạo ra để ta nhìn nó từ trên cao nhìn xuống”, ông Dey, người phát hiện ra những hình thù bí ẩn trên nền đất Kazakhstan kia cho hay, với ý bác bỏ hoàn toàn việc nhiều người cho đây là hình vẽ của người ngoài hành tinh. Ông đưa ra giả thuyết rằng những hình thẳng kia chỉ là cách người cổ đại theo dõi đường di chuyển của Mặt Trời mọc mà thôi.


Chữ thập Ashutastinsky lớn.

“Tôi đã lo sợ rằng đây là tin vịt”, giáo sư dịch tễ học LaPorte nói sau khi đọc bản báo cáo. Lúc đó, ông đang nghiên cứu bệnh ngay tại Kazakhstan. Cùng với sự giúp đỡ của James Jubilee, một chuyên gia khoa học và công nghệ khác, giáo sư LaPorte tìm tới ông Dey để xác nhận những hình ảnh trên. Sau khi ông bị thuyết phục những dấu vết hàng ngàn năm tuổi này có thật, ông nhanh chóng liên lạc với chính quyền địa phương với mong muốn đưa UNESCO vào cuộc, bảo vệ những khu vực trên.

Thảo nguyên rộng lớn này xưa kia đã từng là điểm đến của những tộc người Thời Đồ Đá tới săn bắt. Theo như nghiên cứu của ông Dey, thì đó có thể là nền văn hóa Mahandzhar, phát triển nở rộ vào khoảng 7.000 năm TCN tới 5.000 năm TCN, có lẽ chính họ là tác giả của những hình thù kì lạ kia. Nhưng điều làm các nhà khoa học bất ngờ không phải là nền văn hóa nào, mà là việc nền văn hóa đó phải đủ đông và sống đủ lâu tại vùng đất đấy để có thể tạo nên những công trình lớn đến vậy.

Có thể, những khám phá này sẽ thay đổi cách chúng ta nhìn nhận những tộc người du canh du cư xưa kia. Lẽ nào, con người từ thời đó đã sống thành một tổ chức lớn, thậm chí có cả một nền văn hóa từ sớm?


Chữ thập ngoặc Turgai.

Phát hiện này của ông Dey cũng hoàn toàn là sự ngẫu nhiên.

Theo như lời ông kể lại, vào tháng Ba năm 2007, sau khi xem chương trình “Kim tự tháp, Xác ướp và Hầm mộ” trên kênh Discovery Channel, ông nhận thấy rằng nơi nào trên thế giới cũng có kim tự tháp, chắc hẳn Kazkhstan cũng phải có chứ! Và ông đã sử dụng Google Earth để tiến hành nghiên cứu.

Không thấy được kim tự tháp nào nhưng ông lại có một khám phá khác, một thứ gì đó gây sự chú ý của Dey: nó là một hình vuông lớn có cạnh khoảng 274 mét, ở giữa là một hình chéo chữ X. Đầu tiên, ông tưởng đó là một khu vực đất canh tác cũ nào đó, cho tới khi ông gặp một hình giống chữ thập ngoặc 3 ngạnh, đường kính khoảng 90 mét.

Cho tới cuối năm 2007 ấy, ông Dey dã tìm ra thêm được 9 hình vuông, hình tròn và hình chéo khác nhau. Năm 2012, tổng cộng ông tìm được 19 hình và con số hiện tại là 260 hình. Tháng Tám năm 2007, ông dẫn một đội khám phá tới hình vuông lớn nhất để xem xét thực địa, hiện giờ nơi đó được biết tới với cái tên Hình vuông Ushtogaysky, đặt theo tên ngôi làng gần đó.


Vòng Bestamskoe.

“Cực kì khó để hiểu được nó là cái gì khi đứng từ trên mặt đất”, ông Dey nhớ lại. “Những đường thẳng kéo dài tới tận đường chân trời. Bạn sẽ chẳng tưởng tượng ra được nó có thể là cái gì”. Họ đào xuống mấy cái ụ đất đó nhưng không tìm thấy gì cả, tuy nhiên, ở những khu vực gần đó, nhóm thực địa này tìm thấy cổ vật khoảng 6.000 cho tới 10.000 năm tuổi.

Hiện tại, ông Dey đang dự định xây một trạm nghiên cứu gần những khu vực này. “Chúng tôi không thể đào toàn bộ những ụ đất này lên được”, ông nói. “Chúng tôi cần những công nghệ hiện đại, giống như các nhà khoa học phương Tây đang có vậy”.

Cả giáo sư LaPore, ông Dey và đội ngũ của họ đều đang tính tới việc sử dụng drone nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu, giống như cách của Bộ Văn hóa Peru đang làm để vẽ lại và bảo tồn những khu vực khảo cổ của họ.

Nhưng thời gian không đứng về phía họ, ông Dey chua chát nói. Một trong những khu vực như vậy mang tên Koga Cross – Chữ thập Koga đã bị những người thợ đào đường phá hủy hồi năm 2015. Và thậm chí, “đó là sau khi chúng tôi đã thông báo vấn đề này lên các nhà chức trách”. Hủy đi một cấu trúc lớn, một bí ẩn chưa có lời giải đáp chắc hẳn sẽ là một mất mát lớn của ngành khảo cổ.

Chỉ mong các nhà chức trách và cả NASA sẽ vào cuộc, đừng để bí ẩn của nhân loại này đi vào dĩ vãng.

Cập nhật: 14/07/2017 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video