Các nhà nghiên cứu Anh đã nghĩ ra công cụ dự báo có thể bảo vệ các nhà máy điện được xây dựng trên bờ biển trước nguy cơ tấn công từ loài sứa.
Một đợt bùng nổ "dân số" bất ngờ của loài sứa có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho những nhà máy điện nằm dọc bờ biển. Chúng làm tắc nghẽn van hút nước làm nguội, buộc nhà máy phải giảm năng suất hoặc thậm chí tạm ngưng hoạt động.
Những năm gần đây, thảm họa liên quan sứa không ít lần đe dọa những nhà máy điện hạt nhân trên toàn cầu. Chẳng hạn, nhà máy điện hạt nhân Torness ở Scotland đã phải đóng cửa suốt cả tuần sau khi nhiều "binh đoàn" sứa tràn ngập bờ biển vào năm 2011. Tình trạng tương tự cũng xảy ra cho các nhà máy điện hạt nhân và than đá của Thụy Điển, Mỹ và Nhật Bản.
Các trạm điện của Israel cũng không thoát, còn Philippines bị mất điện trên diện rộng vào năm 1999 cho đến khi dọn dẹp xong số lượng sứa có thể nhét đầy 50 xe tải. Thảm hơn nữa, tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan đã bị vô hiệu hóa sau khi hệ thống làm nguội lò phản ứng hạt nhân của con tàu hút đầy sứa trong lúc hàng không mẫu hạm Mỹ đang thăm Úc vào năm 2006.
Sứa mắc kẹt vào van dẫn nước làm mát của một nhà máy điện. (Ảnh: AFP).
Dù thiếu các ghi nhận từ quá khứ, nhiều người vẫn cho rằng sự bùng nổ dân số sứa đang gia tăng có thể là do sự thay đổi của khí hậu toàn cầu theo hướng ấm dần lên. "Chúng có thể sinh sôi một cách nhanh chóng", theo tờ The Guardian dẫn lời chuyên gia Erica Hendy của Đại học Bristol, đơn vị đang hợp tác với Tập đoàn năng lượng EDF (Mỹ) - quản lý Nhà máy Torness, để tìm cách giải quyết tình trạng trên.
Dự án sẽ sử dụng một siêu máy tính nhằm dựng mô hình về chuyển động của các dòng hải lưu tác động đến sự di chuyển của sứa trên mọi vùng biển và đại dương, cũng như những thay đổi sẽ diễn ra trong cả năm. Điều này do năng lực bơi của sứa bị giới hạn, và chúng hoàn toàn phụ thuộc vào các luồng nước đẩy để lui tới trong lòng biển. Bên cạnh đó, mô hình còn tính toán luôn hoạt động di chuyển lên xuống trong nước của sứa, cách chúng tránh được các nguy hiểm trên bề mặt đại dương trong giai đoạn bão tố ập đến, và khả năng trôi nổi thay đổi theo tuổi tác.
Dựa trên các dữ liệu về những cuộc tấn công gần đây, các nhà nghiên cứu sẽ truy ngược về những điểm nóng, nơi cộng đồng sứa sinh sôi, trước khi đặt các thiết bị quan sát để phát hiện sớm sự bùng nổ về mặt số lượng của chúng. EDF đã bắt đầu nghiên cứu xem nên sử dụng hình ảnh vệ tinh hoặc thiết bị không người lái cho các hoạt động cảnh báo này. Khi phát hiện cộng đồng loài nhuyễn thể có khuynh hướng tăng vọt, hệ thống mới sẽ tính toán để dự đoán vị trí cũng như thời điểm chúng dự kiến sẽ ập vào bờ, và triển khai kế hoạch vớt sứa đi chỗ khác.