Nhà thờ bí ẩn do "thiên thần xây dựng" ở châu Phi

Những nhà thờ đá nguyên khối bí ẩn ở Ethiopia

Các nhà nghiên cứu đến nay vẫn chưa hiểu rõ về kỹ thuật được sử dụng để tạo nên kỳ quan nhà thờ đá nguyên khối cách đây 800 năm.

Nằm ở vùng Amhara của Ethiopia, cách thủ đô Addis Ababa khoảng 600km về phía bắc, có một thị trấn nổi tiếng nhưng đầy bí ẩn tọa lạc trên độ cao 2.500 m so với mực nước biển được gọi là Lalibela. Tại trung tâm của thị trấn này là một Di sản Thế giới gồm 11 nhà thờ được chạm khắc từ đá nguyên khối.

Khu phức hợp được cho là có từ triều đại Zagwe dưới thời trị vì của vua Lalibela (1181 - 1221), người muốn thành lập một "Jerusalem mới" trên đất châu Phi mà tất cả người dân Ethiopia đều có thể tiếp cận được. Tên của các nhà thờ, cũng như đặc điểm của chúng, gợi nhớ đến những công trình ở Jerusalem như nhà thờ Golgotha và Lăng mộ của Adam. Tại nơi đây, vào thế kỷ XIII, những tín đồ sùng đạo Thiên Chúa bắt đầu đục đẽo những khối đá núi lửa màu đỏ để “xây” lên 13 nhà thờ.

Kiến trúc nhà thờ trong lòng đá ở thị trấn nhỏ Lalibela là minh chứng độc đáo nhất về các nét văn hóa đặc biệt của Ethiopia - đất nước đa sắc tộc với nhiều truyền thống đặc sắc, kỳ lạ.


Nhà thờ đá Lalibeta về hoàng hôn.


Vách đá đã úa màu theo thời gian.

Các nhà khảo cổ học đến nay đã biết nhiều về lịch sử của khu phức hợp, nhưng vẫn còn những câu hỏi chưa thể giải đáp, một trong số đó là cách chúng được xây dựng. Bằng cách nào mà người Ethiopia cổ xưa có thể tạo nên kỳ quan phức tạp này với những công cụ và kỹ thuật hạn chế vào thời điểm đó?

11 nhà thờ đá nguyên khối của Lalibela được chia thành hai nhóm chính: nhóm phía bắc gồm 6 nhà thờ và nhóm phía nam gồm 4 nhà thờ. Nhà thờ còn lại, Bet Giorgis hay St. George, nằm riêng biệt, cách hai nhóm chính một đoạn ngắn.

Các nhà thờ được kết nối với nhau bằng một mê cung đường hầm và lối đi, mỗi nhà thờ có một thiết kế và cách bố trí độc đáo. Tất cả chúng đều đặc trưng bởi kiến trúc cắt đá ấn tượng, với một số cấu trúc có mặt tiền, cột và cổng vòm phức tạp. Nội thất cũng ấn tượng không kém với các tác phẩm chạm khắc tinh xảo, tranh bích họa và đồ tạo tác tôn giáo.

Khu phức hợp nhà thờ đá ở Lalibela là một trong những cấu trúc nguyên khối lớn nhất trên thế giới. Nhà thờ lớn nhất, Bet Medhane Alem, cao 10 m, dài 33 m và rộng 22 m. Biete Medhane Alem có nghĩa là "ngôi nhà của Đấng Cứu Rỗi thế giới".

Ghé thăm thị trấn này, bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng 11 nhà thờ cổ đồ sộ còn lại. Các công trình đầy sáng tạo này đã biến thị trấn miền núi Lalibela thành một nơi hành hương đầy tự hào của các tín đồ Cơ đốc giáo chính thống Ethiopia.

Dù phải vượt qua chặng đường gian khó nhưng nhiều người tìm đến đây để chứng kiến các cấu trúc hùng vĩ, hôn lên các bức tường đá lâu đời hoặc lặng lẽ cầu nguyện đọc các bài kinh nhằm tỏ lòng tin với tôn giáo và hi vọng mình và gia đình sẽ được ban phước lành.

Có khá nhiều câu chuyện được đồn thổi xung quanh việc xây dựng nhà thờ đá này. Trong đó có truyền thuyết kể lại rằng, con người sẽ đảm nhận việc xây dựng nhà thờ đá vào ban ngày, còn các thiên thần sẽ giúp sức đẩy nhanh tiến độ vào ban đêm.


Nhà thờ đá nhìn từ trên xuống.

Thánh George chính là người giám sát công việc của những thiên thần đó. Truyền thuyết cho rằng các nhà thờ được đục đẽo trong 24 năm, nhưng theo các nhà khảo cổ học, điều này là không thể. Ngay cả ngày nay, việc hoàn thành công việc này bằng cách sử dụng mũi đục có đầu bằng thép carbon và lưỡi kim cương cũng là phi thường. Ngoài ra còn có nhiều điểm bất thường khác về việc xây dựng khu phức hợp. Ví dụ, lẽ ra phải có một khối lượng lớn đất và đá, thứ được loại bỏ từ xung quanh và bên trong các nhà thờ, nhưng không thể tìm thấy chúng ở đâu.


Các họa tiết tranh vẽ phía trong nhà thờ.


Khách hành hương từ các nơi khác đến cầu nguyện đông đúc.

Được xây dựng theo hình chữ thập, ô cửa sổ điêu khắc tinh xảo, nhà thờ Thánh George có một hệ thống phức tạp các cống rãnh thoát nước, đường hầm, các lối đi ngầm cùng nhiều công trình ngầm dưới lòng đất và trong vách đá. Khi Mặt trời xuống dần, nhà thờ hiện lên màu hồng rồi chuyển sang vàng và xanh rêu trước khi bóng tối bao trùm.

Nhờ kiến trúc ấn tượng và những ảnh hưởng của Kitô giáo nên nhà thờ này đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1978. 5 năm trước, UNESCO đã quyết định cho dựng các tấm phủ để bảo vệ một phần của công trình này.

Các nhà thờ đá ở Lalibela được quản lý bởi cả Giáo hội và chính quyền Ethiopia trong nhiều thế kỷ. Đây là nơi sinh sống của một cộng đồng linh mục và tu sĩ, khiến nơi này trở thành địa điểm thu hút nhiều người hành hương để cử hành các ngày lễ lớn theo lịch Thiên Chúa giáo của người Ethiopia.

Cập nhật: 10/07/2024 Theo Trithuctre/VNE
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video