Từ một làng chài nhỏ ven biển, đến nay TP Nha Trang phát triển thành khu đô thị sầm uất ở khu vực Nam Trung Bộ, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.
Nha Trang những năm 1920-1929 là xóm chài ven biển (nay là đường Trần Phú). Trước đây, nơi này chỉ là những ngôi nhà lụp xụp dọc biển, người dân sống bằng nghề chài lưới, buôn bán nhỏ. Đến nay, tuyến đường có vị trí đắc địa ở thành phố, mật độ xe cộ cao. Năm 1924, vua Khải Định ra đạo dụ lập thị trấn Nha Trang. Lúc hình thành, thị trấn có 4 làng nhỏ: Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài. Năm 1944, địa phương này được nâng lên thành thị xã. Đến 30/3/1977, Hội đồng Chính phủ nâng lên TP Nha Trang, trực thuộc tỉnh Phú Khánh. Hiện, Nha Trang là đô thị loại I, thuộc Khánh Hòa.
Thuyền chài tại vịnh Nha Trang vào năm 1920-1929. Vịnh Nha Trang lớn thứ hai tỉnh Khánh Hòa (sau vịnh Vân Phong) với 19 hòn đảo lớn nhỏ. Nơi đây có tài nguyên thiên nhiên phong phú, khu bảo tồn biển đa dạng sinh học đầu tiên cả nước. Đến nay, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm hoạt động bảo tồn vịnh biển này. Nơi đây cũng là địa điểm để du thuyền lớn của quốc tế ghé thăm. Theo Sở Du lịch, năm 2024, Khánh Hòa sẽ đón 45 tàu du lịch biển.
Ngôi nhà của bác sĩ Alexandre Yersin (còn gọi là lầu ông Tư) tại TP Nha Trang. Năm 1891, sau khi tới Đông Dương, Yersin quyết định xin thôi việc ở Messageries (Công ty Vận tải Hàng hải - làm bác sĩ trên chuyến tàu đi Sài Gòn - Hải Phòng) để đến sống tại Nha Trang. Ông cho dựng một ngôi nhà gỗ ở Xóm Cồn, mở phòng khám, thường chữa bệnh miễn phí nên người dân yêu quý, thường gọi là ông Tư. Nơi này hiện là nhà nghỉ dưỡng 378 của Bộ Công an, dự kiến di dời ra khu vực bắc bán đảo Cam Ranh. Tương lai nơi đây có khu phức hợp với những công trình nổi bật như bảo tàng Yersin (4.000 m2), khu thương mại và cafe, bar biển; cải tạo công viên Yersin...
Viện Pasteur Nha Trang năm 1920-1929. Công trình do bác sĩ Alexandre Yersin thành lập năm 1895. Ban đầu, viện chỉ là phòng thí nghiệm cũ kỹ, với dãy chuồng ngựa. Nơi đây để bào chế thuốc, nghiên cứu bệnh sốt rét và các loại vi trùng, ký sinh trùng gây bệnh cho người... Năm 1975, Viện Pasteur Nha Trang thuộc hệ thống y tế dự phòng của Bộ Y tế. Hiện nay viện có 160 cán bộ, nhân viên, địa bàn hoạt động trải dài từ Quảng Bình đến Bình Thuận.
Đầm Xương Huân (còn gọi là đầm Én - nhiều chim én cư trú), nay là khu vực chợ Đầm tại TP Nha Trang. Theo tài liệu, từ khoảng năm 1908, Nha Trang đã có khu chợ hình thành ở cuối đầm Én (gần đường Phan Bội Châu ngày nay). Qua thời gian, dân cư đông đúc, hàng hoá được buôn bán lấn ra ngoài lòng đường, việc xây cất nhà dọc ven đầm trở nên lộn xộn. Vì thế, chính quyền địa phương bàn đến việc xây chợ mới. Từ ngày 12/4/1969, Nha Thủy vận Sài Gòn dùng cát lấp đầm. Sau 6 tháng, viên đá đầu tiên được đặt lên bãi cát mênh mông, đánh dấu cho việc xây cất chợ Đầm và đến 22/2/1972, công tác xây chợ hoàn tất. Đầm Én giờ chỉ còn trong ký ức của người địa phương. Hiện tỉnh Khánh Hòa đã xây chợ Đầm mới nằm sát chợ Đầm tròn cũ.
Ga Nha Trang những năm 1920-1929. Công trình khánh thành ngày 2/9/1936, có diện tích 14,8 ha. Đây là nơi ghi dấu cảnh người dân Khánh Hòa đấu tranh chống thực dân Pháp vào ngày 23/10/1945. Trải qua hàng chục năm, công trình vẫn giữ kiến trúc thời Pháp, có 5 đường ray gồm hai đường chính và ba đường xếp dỡ hàng. Hiện, nơi đây mỗi ngày đón hàng chục chuyến tàu ra vào Nha Trang. Trong tương lai, ga Nha Trang được quy hoạch thành bảo tàng, công viên... Ga mới sẽ được xây dựng tại xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang.
Nhà thờ Chánh tòa (hay còn gọi là nhà thờ Núi) ở ngã sáu, trung tâm TP Nha Trang. Công trình có tổng diện tích 720 m2, được xây dựng từ năm 1928 với phong cách kiến trúc Gothic cổ kính. Vùng đất này trước đây hoang sơ, khi người Pháp đến Nha Trang đã cho xẻ đôi núi Hòn Một. Nửa phía tây ngọn núi được san phẳng bởi 500 quả mìn để có diện tích xây nhà thờ. Đây là điểm thu hút nhiều người dân và du khách ghé thăm, nhất là vào dịp lễ lớn.
Tháp Ponagar nằm trên đồi Cù Lao, bên dòng sông Cái của TP Nha Trang. Thời điểm tháp được xây dựng cũng là thời kỳ đạo Hindu (Ấn Độ giáo) hưng thịnh nhất tại vương quốc Champa cổ. Đây là quần thể kiến trúc độc đáo và đặc sắc của người Chăm, được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1979. Lễ hội Tháp Bà Ponagar diễn ra từ ngày 21 đến 23/3 âm lịch hàng năm. Mỗi năm nơi này đón khoảng 1,3 triệu lượt khách tham quan. Năm 1925, cầu Xóm Bóng được xây dựng bắc qua sông Cái, nằm bên cạnh di tích tháp bà Ponagar. Trải qua thời gian dài, cầu nhiều lần xuống cấp và được xây dựng lại, mới nhất vào hồi năm ngoái.
Bờ biển Nha Trang năm 1968 - (Ảnh: Clare Love). Đến nay, bãi biển được xem là một những bãi đẹp ở khu vực miền Trung, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Trong quý 1 năm 2024, Khánh Hòa đón khoảng 650.000 lượt khách lưu trú, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Khu vực phía bắc Nha Trang, tuyến đường ven biển đi qua Hòn Chồng nay mọc lên nhiều nhà cao tầng, thu hút đông khách nước ngoài. Nhiều năm qua, kinh tế của TP Nha Trang phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,2% mỗi năm. Theo đồ án quy hoạch chung, TP Nha Trang là trung tâm, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo và y tế, dịch vụ cảng biển du lịch, thương mại - tài chính của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của Khánh Hòa; có vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường biển.
Hòn Tre là một trong những đảo lớn nhất tại vịnh Nha Trang, những năm 1967-1969, nhìn về phía TP Nha Trang. Đến nay, trên đảo được đầu tư khu vui chơi, nghỉ dưỡng, trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến thành phố biển.
Xóm Cồn những năm 1968, khu vực ven biển Nha Trang, nay là đường Trần Phú. Nơi cửa sông, sau nhiều năm được dựng nên cây cầu Trần Phú - điểm nhấn tuyến đường biển ở Nha Trang, nối hai bờ. (Ảnh: Sue Ellen). Tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị với mục tiêu đến 2030 sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Nha Trang là đô thị hạt nhân, một trong 3 vùng kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh. Ông Hồ Văn Mừng, Bí thư Thành ủy Nha Trang, cho biết toàn bộ ngành kinh tế của thành phố phải thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, trọng điểm vẫn là phát triển dịch vụ và du lịch.