Ngày 29/11, tại Hội nghị Công nghệ sinh học sinh sản châu Á lần thứ 3 tổ chức tại Hà Nội, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ sinh học (Viện KH và CN Việt Nam) đã công bố một số kết quả nghiên cứu nhân bản vô tính đã đạt được trong thời gian qua.
Các nhà khoa học Việt Nam đã nhân bản được giống lợn mini hoang dã sạch dòng chưa bị ảnh hưởng bởi các chương trình lai tạo.
Tế bào sinh dưỡng của các giống lợn này được bảo quản trong ngân hàng lạnh và có thể khai thác sử dụng trong các nghiên cứu thụ tinh trong ống nghiệm và nhân bản vô tính với mục đích bảo vệ đa dạng sinh học. Lợn mini cũng là đối tượng có kích thước cơ quan phù hợp với người và sạch dòng virus nội sinh phù hợp cho việc điều trị bằng ghép tổ chức khác loài.
Nhóm các nhà khoa học này còn thực hiện nhân bản vô tính trên các loài khỉ đuôi dài và khỉ vàng với sự hợp tác giúp đỡ của các tổ chức chăn nuôi và nghiên cứu khỉ tại Việt Nam như Viện Pasteur Polivac, Trạm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, Đại học New Orlean (Mỹ), Đại học quốc gia NUS (Singapore). Kết quả đã tạo được khỉ có thai do cấy phôi nhân bản vô tính, mặc dù thai này chỉ phát triển đến tháng thứ 3.
Khỉ là đối tượng nhân bản vô tính đang được khoa học quan tâm vì nó có vị trí tiến hóa gần với con người, các mô hình khỉ nhân bản sẽ góp phần quan trọng vào các nghiên cứu y học.
Được biết, ứng dụng nhân bản vô tính trong việc sản xuất tế bào gốc phục vụ liệu pháp điều trị bằng thay thế tế bào sẽ giúp không bị hệ miễn dịch của cơ thể bệnh nhân đào thải. Những nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng trong điều trị các bệnh xã hội và hiểm nghèo cũng như bệnh khiếm khuyết chức năng miễn dịch di truyền (đái đường, ung thư máu, bạch cầu, Parkinson, u xơ nang...).
Thời gian tới, Viện Công nghệ sinh học sẽ nghiên cứu để bảo tồn nguồn gene của các động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, khó khăn nhất là khó tìm được con mẹ để cấy phôi nhân bản vô tính.
Tại hội nghị, GS Temhiko Wakayama (Nhật Bản) đã tiến hành nhân bản vô tính trên chuột bằng các bước như tiêm vi tinh, tiêm tế bào gốc vào phôi. Công đoạn này được thực hiện trước sự chứng kiến của các nhà khoa học đến từ 14 nước tham dự hội thảo như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan...
GS Temhiko Wakayama chính là người nhân bản ra chuột vào năm 1998 sau khi nhân bản thành công cừu. Đây là kỹ thuật đã được tiến hành nhiều trên thế giới còn tại Việt Nam dù kỹ thuật đã được tiếp cận song để chuyển từ phôi thành con thì chưa đủ điều kiện như kinh phí, con nhận...
Thái Hà