Ấn Độ: Nhân bản vô tính dê để lấy len quý hiếm

  •  
  • 1.856

Kỹ thuật này được kỳ vọng sẽ được biến thành cỗ máy kiếm tiền thực sự thay vì cứ mãi quẩn quanh trong phòng thí nghiệm.

Dê nhân bản - cứu tinh cho dòng len nổi danh toàn thế giới

Từ thời xa xưa, len Cashmere của Ấn Độ đã nổi tiếng là một thứ len quý hiếm và sang trọng. Trải qua hàng nghìn năm, giờ đây được khoác trên mình một chiếc áo làm từ những sợi len nức tiếng này vẫn là niềm kiêu hãnh của những người sành ăn mặc nhất. Trên những ngọn núi cao quanh năm mây phủ của bang Kashmir, loài dê Kashmir chính là "nhà máy sinh học" sản xuất ra những sợi len danh giá ấy, từ bộ lông dày mượt của mình.

Len làm từ lông dê là mặt hàng chủ lực trong nền kinh tế Kashmir. Không những tạo ra được nhiều công ăn việc làm, mà hàng năm, doanh thu từ những sợi len cũng đem về cho bang nghèo khó này khoảng 80 triệu USD. Một chiếc áo len bán tại địa phương đã có giá chừng 200 USD. Khi xuất hiện tại các thành phố lớn của chính Ấn Độ, nó được đội giá lên vài lần. Còn những sợi len "xuất ngoại" thì luôn có giá tính bằng nghìn USD/kg.

Thế nhưng, trong những năm trở lại đây, đàn dê Kashmir đang suy giảm cả chất và lượng. Biến đổi khí hậu, môi trường ô nhiễm, diện tích đồng cỏ bị thu hẹp cùng sự lai tạp với một số giống dê ngoại lai khác đã khiến sản lượng len Kashmir đang sụt giảm nhanh chóng. Tỷ lệ len thuộc hàng "thượng hạng" cũng giảm mạnh. Đây là một đòn đánh chí mạng vào ngành sản xuất đã có truyền thống ngàn đời, và đang từng ngày đe dọa đến cuộc sống của hàng chục triệu lao động trong lĩnh vực này.

Các nhà khoa học tự hào về thành quả nhân bản Noori.
Các nhà khoa học tự hào về thành quả nhân bản Noori.

Trong bối cảnh ấy, các nhà khoa học tại trường đại học Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Sheri Kashmir (SKAUST) đã quyết định không chờ đợi thêm nữa. Kỹ thuật nhân bản vô tính động vật đã có từ gần hai thập niên nay được họ lựa chọn làm vũ khí để ngăn chặn đà tuyệt chủng của dòng len nức tiếng thế giới này. Dẫu chưa thực sự hoàn thiện, nhưng xem ra, nhân bản vô tính là giải pháp khả dĩ nhất có thể áp dụng.

Tính khả thi của dự án về kỹ thuật và kinh tế đều rất cao. Nếu dự án thành công, thì đây sẽ là lần đầu tiên, kỹ thuật nhân bản vô tính động vật được thương mại hóa. Ngay từ khi mới ra đời, tiềm năng kinh tế của kỹ thuật này đã được dự báo, và có lẽ người Ấn Độ sẽ là những người đầu tiên kiểm chứng điều này.

Kỳ vọng dê nhân bản thành "cỗ máy kiếm tiền"

Dưới sự dẫn dắt của nhà khoa học đầu ngành về công nghệ sinh học, tiến sĩ Riaz Ahmad Shah, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ sinh học động vật thuộc SKAUST đã cho ra đời một cá thể dê Kashmir nhân bản vô tính đầu tiên. Nó được đặt tên là Noori, theo tiếng địa phương có nghĩa là "ánh sáng", bởi các tác giả công trình hy vọng rằng, thành công này sẽ mở ra một chân trời mới, ánh sáng mới cho ngành sản xuất len Kashmir. Nặng 1,3kg khi chào đời, chỉ sau một tháng được nuôi dưỡng chu đáo, Noori đã tăng lên 5kg.

Các chỉ số đánh giá sinh học cho thấy, nó mang đầy đủ các đặc tính của một con dê Kashmir thuần chủng. Điều này hứa hẹn rằng, tiểu bang này của Ấn Độ sẽ lại có được những đàn dê đông đảo, cho những bộ lông tuyệt vời để tiếp tục sản xuất ra những sợi len Cashmere trứ danh.

Dự án nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng quốc tế, bởi đây là lần đầu tiên, kỹ thuật nhân bản vô tính được thương mại hóa. Ngoài việc được Ngân hàng thế giới WB tài trợ toàn bộ chi phí, các nhà khoa học còn đang nhận được đơn đặt hàng từ Viện nghiên cứu sữa quốc gia Ấn Độ.

Các nhà khoa học tự hào về thành quả nhân bản Noori.

Tiến sĩ Majeed Fazili - thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết, khoảng hai năm nữa, Noori sẽ bắt đầu cho lứa lông đầu tiên. Phải chờ kiểm tra chất lượng, sản lượng của những sợi len làm từ đám lông này mới có thể khẳng định kết quả dự án, nhưng ông tin chắc chắn sẽ thành công.

Hiện tại, nhóm nhà khoa học này đang chia làm hai nhánh hoạt động: Một nhánh tiếp tục tạo ra thêm những cá thể dê Kashmir nhân bản, một nhánh thì nghiên cứu cấy ghép vào loài dê này những đặc tính mới. Từ lâu, địa bàn sinh sống của dê Kashmir là các ngọn núi cao trên 14.000 feet (hơn 4.000m) so với mực nước biển, với nhiệt độ xuống đến- 40 độ. Nếu có thể can thiệp đôi chút vào bộ gen để chúng thích nghi với môi trường ấm áp hơn, hiệu quả thu được sẽ vô cùng to lớn.

Việc chăn thả sẽ được tiến hành ở các vùng có độ cao thấp hơn, khí hậu bớt khắc nghiệt hơn. Điều đó sẽ cho phép tăng số lượng các đàn dê để đạt sản lượng cũng cao hơn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại rằng, chính môi trường sống khắc nghiệt đã giúp hình thành lên những sợi lông len có chất lượng tuyệt hảo như vậy. Nếu thay đổi môi trường này, khó mà có được dòng len Cashmere như xưa nữa.

Trước những lo ngại này, các nhà khoa học cho biết, họ sẽ thận trọng trong quá trình triển khai. Bất cứ mẫu cá thể nào không đáp ứng được yêu cầu sẽ đều bị tiêu hủy, và nhóm tác giả tuyệt đối không chạy theo số lượng. Thương hiệu len Cashmere đã nức tiếng khắp thế giới từ nhiều thế kỷ nay, và nhiệm vụ hàng đầu của họ là bảo vệ, gìn giữ thương hiệu ấy.

Năm 1996, động vật nhân bản vô tính đầu tiên trên thế giới là chú cừu Dolly ra đời, và nó sống được đến 7 năm. Trưởng nhóm thực hiện dự án, tiến sĩ Riaz Ahmad Shah cho biết, ông hy vọng dê Kashmir nhân bản vô tính của mình cũng đạt được tuổi thọ ít nhất là như vậy. Chừng đó là đủ để chúng trở thành những "cỗ máy kiếm tiền".

Tiến sĩ cũng tiết lộ, chi phí trong quá trình tạo ra một mình cá thể Noori không quá lớn, và nếu nhân bản đại trà số lượng lớn, chi phí này còn giảm nữa. Đây là một dự án chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, và dòng len Cashmere nổi tiếng sẽ được gìn giữ.

Theo NĐT
  • 1.856