Theo một bài bình luận về nghiên cứu mới trên tờ Nature ngày 03/04, việc giảm phát thải khí cacbonic toàn cầu (CO2) trong thế kỷ tới sẽ trở thành một thách thức lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể tưởng tượng.
Các tác giả thuộc Đại học Colorado tại Boulder, trung tâm quốc gia về nghiên cứu khí quyển (NCAR) tại Boulder, và Đại học McGill tại Montreal cho biết Hội đồng đa chính phủ về sự thay đổi khí hậu (IPCC) đã đánh giá không đúng mức những thách thức về công nghệ trong việc làm giảm sự phát thải khí CO2. Nghiên cứu mang tên: “Những nhận định nguy hiểm” kết luận rằng IPCC đã lạc quan thái quá khi cho rằng: ngay cả khi thiếu vắng hoạt động của các nhà hoạch định chính sách, xã hội sẽ phát triển và vận hành những công nghệ mới nhằm giảm sự phát thải khí cacbonic xuống mức đáng ngạc nhiên trong tương lai.
Các tác giả bình luận trên tờ Nature rằng: “Câu hỏi về việc liệu những đổi mới công nghệ có cần thiết hay không là một câu hỏi thừa – điều đó đương nhiên là cần thiết. Câu hỏi cần được đặt ra là, các chính sách cần tập trung dứt khoát ở mức độ nào để thúc đẩy những đổi mới đó”. IPCC đang chơi một bài toán mạo hiểm khi cho rằng những tiến bộ tự phát trong công nghệ sẽ làm giảm hầu hết gánh nặng trong việc đạt được mục tiêu giảm thiểu sự phát thải khí CO2 ở tương lai, mà không tập trung vào những điều kiện cần và đủ để những đổi mới này có thể xảy ra.
Tác giả chính Roger Pielke Jr. thuộc Đại học Colorado cho biết “cường độ cácbon” – sự phát thải khí cacbonic trên một đơn vị năng lượng tiêu thụ -- đã cao hơn so với những gì IPCC dự đoán. Nguyên nhân là do tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng. Ví dụ ở châu Á, nhu cầu cho những ngành kinh tế giàu năng lượng được đáp ứng bằng công nghệ nhiên liệu hóa thạch cổ truyền, và quá trình này được trông đợi sẽ tiếp tục trong nhiều thập kỷ tới rồi cuối cùng chuyển dần sang châu Phi.
Khi xác định lượng giảm cần thiết để ổn định nồng độ CO2, IPCC chia những thay đổi trong sự phát thải khí cacbonic trong tương lai thành hai nhóm: những thay đổi tự phát (thiếu sự góp mặt của những chính sách về khí hậu) và những thay đổi do chính sách. Sự phân chia này không làm rõ được toàn bộ những thách thức trong việc ổn định lượng khí cacbonic trong bầu khí quyển. Bài bình luận trên tờ Nature chỉ rõ, để ổn định nồng độ CO2 ở mức 500 phần trên một triệu (so với nồng độ hiện nay là 390), viễn cảnh IPCC vạch ra là 57% đến 96% tổng lượng cacbon được tách khỏi nguồn cung cấp năng lượng trong thế kỷ tới sẽ xảy ra một cách tự phát.
Những nguồn năng lượng tái tạo được như gió có thể giúp làm giảm sự phát thải khí cacbonic. (Ảnh: Bob Heson, tác quyền UCAR) |
Pielke bức xúc nói: “Theo báo cáo của IPCC, phần lớn lượng giảm cần thiết để ổn định nồng độ CO2 được cho rằng sẽ xảy ra một cách tự phát. Không những nhận định này sẽ không xảy ra với những chính sách như hiện nay, mà chúng ta đang di chuyển theo một hướng ngược lại. Chúng tôi cho rằng những nhận định như thế trong khoa học làm chúng ta mù quáng trong thực tế và có thể bóp méo khả năng phát triển những chính sách hiệu quả”.
Đồng tác giả Tom Wigley thuộc NCAR ghi chú rằng, sự ổn định nồng độ trong khí quyển của CO2 và các khí nhà kính khác là mục tiêu hàng đầu trong Công ước khung về sự thay đổi khí hậu của liên hợp quốc năm 1992, đã được chấp thuận bởi hầu hết các nước thành viên, bao gồm cả Hoa Kỳ.
Wigley nhấn mạnh: “Mức độ ổn định này là một thách thức dễ gây nản chí hơn nhiều người nhận thấy. Chúng ta cần phải loại bỏ cacbon từ gốc rễ của hệ thống năng lượng. Nhu cầu năng lượng toàn cầu được dự kiến sẽ tăng nhanh chóng, và nhu cầu khổng lồ này phải được giải quyết bằng những nguồn năng lượng không cacbon – những nguồn không sử dụng nhiên liệu hóa thạch hoặc phải giữ lại tất cả lượng cacbon phát thải.”
Không giống với những nhận định của IPCC về đổi mới công nghệ tự phát trong tương lai, các tác giả của bài bình luận trên tờ Nature bắt đầu với một loạt kế hoạch “công nghệ đóng băng” như một ranh giới trong viễn cảnh những công nghệ năng lượng được cho là sẽ giữ ở mức hiện tại.
Đồng tác giả Christopher Green thuộc Đại học McGill cho biết: “Với phương pháp công nghệ đóng băng, một phạm vi đầy đủ về những thách thức trong công nghệ không cacbon được đặt vào tầm ngắm”.
Pielke nhấn mạnh: “Thông điệp của chúng tôi nên được nhìn nhận một cách lạc quan hơn là bi quan. Vì chỉ với cách nhìn nhận sáng suốt về những thách thức, chúng ta mới có thể hy vọng thực hiện được các chính sách hiệu quả. Chúng tôi mong rằng những phân tích này là một bước tiến đến tầm nhìn sáng suốt đó”.