Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận đã thực hiện đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học nhân nhanh giống cây neem bằng phương pháp nuôi cấy mô thực vật”, giúp bà con nông dân đảm bảo nguồn giống tốt.
Rừng Neem. Ảnh: Flickr
Qua hai năm thực hiện, trung tâm đã nhân được hơn 5.000 cây Neem (cây xoan chịu hạn) trong nhà lưới, trong đó có hơn 3.000 cây Neem giống đủ điều kiện trồng rừng; tiến hành trồng thử nghiệm một ha cây Neem nuôi cấy mô (khoảng 1.000 cây) tại Lâm trường Tuy Phong.
Cây Neem nuôi cấy mô thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khô hạn ở Tuy Phong; đạt tỉ lệ sống gần 100%, chiều cao đạt trung bình 90cm, đường kính gốc đạt trung bình 0,6cm...
Bà Mai Thanh Nga, Phó Giám đốc trung tâm cho biết, trước đây việc nhân giống cây ở Bình Thuận chủ yếu áp dụng phương pháp thủ công, đều có những nhược điểm, chất lượng các loại cây không đồng đều, dẫn đến năng suất giảm.
Việc áp dụng nuôi cấy mô thực vật sẽ cơ bản giải quyết được những hạn chế trước kia. Đặc biệt là tăng khả năng cung cấp cây giống, phục hồi và chọn lựa tính ưu việt của cây trồng bị thoái hóa.
Neem là loại cây trồng chịu hạn, chi phí đầu tư rất thấp, ít tốn công chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất lớn từ việc thu quả; lá Neem bán cho các đầu mối thu mua để chế biến ra các loại dược phẩm, mỹ phẩm…
Quan trọng hơn, cây Neem có tác dụng rất lớn trong việc trồng rừng chắn cát, chống xói mòn, giữ được mạch nước ngầm... góp phần phủ xanh các vùng đất bị sa mạc hóa./.