Nhân loại bình chọn 7 kỳ quan mới của thế giới

Ngày 7/7/2007, một buổi lễ trang trọng sẽ được tổ chức tại thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha để công bố danh sách bình chọn 7 kỳ quan mới của thế giới. Đây là kết quả của một chiến dịch bình chọn trên toàn cầu được nhà sản xuất phim Bernard Weber khởi xướng từ năm 1999.

Đã hơn 2.000 năm trôi qua kể từ thời điểm nhân loại lựa chọn 7 kỳ quan đầu tiên của mình, thế giới đã phát triển rất nhanh chóng với vô số những kỳ quan mới. Giờ đây, mọi người từ khắp nơi trên thế giới có thể tự mình bình chọn một danh sách những kỳ quan mới của nhân loại thông qua những phương tiện liên lạc hiện đại nhất như Internet, SMS hay điện thoại. Vào thời điểm chỉ còn cách buổi lễ công bố khoảng nửa năm nữa, một danh sách các kỳ quan mới hàng đầu đã được chốt lại với 21 công trình...

“Chiến dịch bầu chọn quốc tế này diễn ra rất sôi nổi - các quan chức đại diện của quỹ New7Wonders tại Zurich (Thụy Sĩ) chịu trách nhiệm tổ chức chiến dịch này cho biết, cho đến cuối tháng 11/2006, số lượng người tham gia bầu chọn đã vượt quá 20 triệu, và đến đầu năm 2007 có thể lên tới 100 triệu”. Cho dù theo các nhà tổ chức, yếu tố khu vực và quốc gia vẫn còn ảnh hưởng nhiều đến kết quả bầu chọn. Chẳng hạn như người Trung Quốc bầu chọn cho Vạn lý trường thành, người Ấn Độ bầu cho đền Taj Mahal, các cư dân châu Mỹ Latinh thường bầu cho thành phố cổ Machu Picchu của người Inca tại Peru hay hòn đảo Easter Island với những bức tượng đầy bí ẩn, người châu Phi tất nhiên lại chọn thành phố cổ Timbuktu (Mali). Nhưng Ban tổ chức cho rằng, yếu tố định kiến trên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kết quả cuối cùng. Vấn đề quan trọng nhất theo họ, không nằm ở yếu tố các ưu tiên quốc gia hay địa lý, mà ở chỗ phải thống nhất được các tiêu chí lựa chọn.


Đảo Easter Island (Ảnh: Ganeandmarshall)

Người khai sinh ra ý tưởng các kỳ quan mới

Cũng cần phải nhắc tới cha đẻ của dự án bầu chọn 7 kỳ quan mới là Bernard Weber - Là công dân Canada (ông sinh năm 1952 tại Genève - Thụy Sĩ), Weber đã tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn điện ảnh tại Trường đại học Tổng hợp New York. Sau đó, ông đã có thời làm trợ lý cho nhà sản xuất phim huyền thoại Federico Fellini ở Rome. Năm 1979, Weber đã tự tay dàn dựng bộ phim đầu tiên của mình có tên “Hotel Locarno” và ngay lập tức giành được một vài giải thưởng điện ảnh quốc tế. Sau một loạt thành công khác, Weber lại quay trở lại Zurich để làm Giám đốc Viện Bảo tàng Centre Le Corbusier.

Weber là một người ưa thích các chuyến phiêu lưu mạo hiểm và thích đi lại khắp nơi trên thế giới (ông nói thành thạo 5 thứ tiếng). Tính ra, chẳng còn mấy di tích hay thắng cảnh nổi tiếng nào trên thế giới mà Weber chưa từng đặt chân tới. Đến năm 1999, ông cho rằng “đã đến lúc cần phải làm một điều gì đó mới mẻ, liên kết và hình tượng hóa niềm kiêu hãnh chung của nhân loại bằng những di sản văn hóa toàn thế giới”. Đó cũng chính là ý tưởng của dự án “7 kỳ quan thế giới mới”.

Sau những bước tổ chức khó khăn đầu tiên, Weber và các cộng sự đã biết cách quảng bá ý tưởng táo bạo của dự án, giúp cho nó nhanh chóng gây được sự chú ý đặc biệt. Đến thời điểm này, Ủy ban các chuyên gia của New7Wonders đã bao gồm nhiều kiến trúc sư hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới, đứng đầu là cựu Giám đốc Tổ chức Văn hóa, khoa học và Giáo dục của LHQ (UNESCO) Federico Mayor. Chính Ủy ban có uy tín này vào năm 2006 theo các kết quả bỏ phiếu sơ bộ đã rút gọn danh sách các ứng cử viên cho danh hiệu “7 kỳ quan mới” từ 77 xuống còn 21 công trình như hiện nay.

Theo kế hoạch, tổng số tiền mà nhóm dự án của Weber kiếm được từ các nhà tài trợ, cũng như bán bản quyền truyền hình trong lễ công bố kết quả cuối cùng vào ngày 7/7/2007 sẽ được sử dụng chủ yếu để phục hồi các di tích văn hóa đã và đang bị đe dọa. Mục tiêu dự định được khôi phục đầu tiên bằng số tiền này chính là tổng thể các bức tượng Phật đã bị chính quyền Taliban phá hoại trước đó tại Afghanistan.

Sự lựa chọn khó khăn

Dù chỉ còn có nửa năm, nhưng rõ ràng việc lựa chọn danh sách cuối cùng cho 7 kỳ quan mới của thế giới vẫn là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Mỗi một ứng cử viên trong vòng chung kết này (có tới 21 công trình) bản thân đều có thể coi là một di sản văn hóa vĩ đại của nhân loại. Nhưng mặt khác, mỗi một dân tộc, quốc gia hay một khu vực địa lý nào đó đều có những khái niệm riêng của mình về một công trình được coi là “kỳ quan”.

Đã có rất nhiều đề xuất từ các tổ chức hay nhóm người khác nhau về danh sách này. Chẳng hạn ngay từ trước năm 2000, Hội Kỹ sư dân sự Mỹ đã đề xuất một danh sách 7 kỳ quan mới của riêng họ, theo những tiêu chí gần giống như việc chọn 7 kỳ quan trước đây của thế giới cổ đại - có nghĩa là phải thể hiện được những thành tựu về công nghệ, chứ không chỉ đơn giản là các công trình kiến trúc quy mô lớn nổi bật. Theo những tiêu chí này, các công trình được đưa ra có thể kể tới đường hầm qua eo biển Manche nối liền Anh và Pháp, tòa nhà chọc trời Empire State Building tại New York, cầu “Cổng Vàng” tại San Francisco, kênh đào Panama v.v... Còn kênh truyền hình nổi tiếng CNN tại Mỹ lại đưa ra một danh sách gồm toàn các kỳ quan từ thiên nhiên như Vịnh Rio-de-Janeiro, ngọn núi Everest, thác nước Victoria v.v...


Tòa nhà chọc trời Empire State Building tại New York (Ảnh: opera.com)

Trước vô số những đề xuất kiểu như trên, Bernard Weber vẫn tỏ ra rất tự tin. Ông và các cộng sự vẫn đang tập trung làm việc hết sức mình để có thể đưa ra một danh sách 7 kỳ quan thế giới mới có ý nghĩa nhất vào đúng thời điểm đã định.

Quỳnh Lai (tổng hợp)

Theo CAND.com.vn
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video