Việc người dùng thường xuyên sử dụng tin nhắn SMS và dịch vụ chat IM không gây tác động tiêu cực đến kỹ năng ngôn ngữ cơ bản của họ, nghiên cứu mới nhất tại Canada kết luận.
(Ảnh: ChatBlog) |
Theo các chuyên gia của Đại học Toronto, hiện tượng người dùng sử dụng các ký hiệu và cụm từ viết tắt chỉ phản ánh "một sự mở rộng ngôn ngữ tự nhiên mà thôi".
"Chúng khiến cho ngôn ngữ trở nên sinh động, phong phú và gần gũi với cuộc sống hơn - chứ không phải những ký tự khô cứng trên mặt giấy", hai chuyên gia Sali Tagliamonte và Derek Denis tuyên bố.
Thậm chí, dịch vụ chat IM còn cho phép giới teen "hòa trộn hài hòa, linh hoạt giữa ngôn ngữ chính thống với văn phong thông tục".
Trong công trình nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí New Scientist số mùa xuân 2008, dưới tiêu đề "Ngôn ngữ nước Mỹ", các tác giả cho rằng: "Hoàn toàn trái ngược với định kiến phổ biến, IM không hề phá hủy khả năng giao tiếp của giới trẻ."
Vẫn chính thống hơn văn nói
Ngược lại, nó còn tạo cho dân teen "cơ hội để chơi đùa, nghịch ngợm và tung hứng với ngôn ngữ".
"IM là cuộc trò chuyện mang nặng tính tương tác giữa những người bạn với nhau. Mặc dù họ sử dụng ngôn ngữ hoàn toàn phi chính thống, nhưng dù gì nó vẫn là giao diện viết - tức là vẫn "chỉn chu" hơn so với khi nói chuyện đãi bôi", Tiến sĩ Denis chia sẻ.
Ông và cộng sự Tagliamonte đã tiến hành phân tích hơn 1 triệu từ thường gặp trong giao tiếp IM - được sử dụng bởi 72 người trong độ tuổi từ 15 đến 20. Sau đó, họ phát hiện ra rằng: Mặc dù IM có chia sẻ một số mẫu câu với văn nói, song từ vựng và ngữ pháp của nó vẫn "mang xu hướng bảo thủ và truyền thống".
Những từ viết tắt chỉ chiếm vẻn vẹn 2,4% số từ vựng phổ thông của IM mà thôi - đây là tỷ lệ được các tác giả mô tả là "cực nhỏ" trong nghiên cứu. Từ viết tắt duy nhất được ưa chuộng hơn hẳn so với "từ gốc" là "U", với tần suất sử dụng cao gấp 9 lần so với "you".