Theo tạp chí Di truyền học Tự nhiên (Nature Genetics) số ra ngày 4/8, một nhóm chuyên gia sinh học Nhật Bản đã lai tạo được một giống lúa mới với rễ sâu có thể duy trì được năng suất cao ngay cả trong thời tiết hạn hán.
>>> Kỷ lục bất ngờ của bông lúa nghìn hạt
Nhóm chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Sinh học Nông nghiệp quốc gia (NIAS) ở Tsubaka cho biết họ đã tìm thấy một gene đặc biệt trong một giống lúa được trồng trên vùng núi cao khô ráo ở Philippines.
Giống lúa có tên Kinandang Patong này có rễ sâu và đâm thẳng xuống dưới, len sâu trong đất khô tới chỗ có nước, trái với hệ thống rễ nông và mọc xiên của những giống lúa điển hình trên các cánh đồng ngập nước.
Ảnh: wikimedia.org
Gene của giống lúa rễ sâu DR01 này được ghép vào giống lúa IR64 vốn rất phổ biến tại khu vực châu Á. Sau đó, giống lúa mới này được đem cấy trên các ruộng lúa ở 3 điều kiện khác nhau: đất không hạn hán, đất khô hạn vừa phải và đất khô hạn trầm trọng.
Thông thường ở điều kiện khô hạn vừa phải, năng suất của giống IR64 giảm chỉ còn 42% so với điều kiện không khô hạn. Nhưng với giống lúa IR64 kết hợp với gene DR01, thì sản lượng gần như không bị tác động.
Đối với tình trạng khô hạn trầm trọng thì sản lượng của IR64 gần như mất trắng, trong khi với giống lúa mới trong điều kiện hạn hán nặng, sản lượng chỉ giảm khoảng 30%.
Liên hợp quốc ước tính dân số thế giới sẽ lên tới 9,6 tỷ người vào giữa thế kỉ 21 và 10,9 tỷ người vào năm 2100 so với mức 7,2 tỷ người hiện nay.
Theo Tổ chức Nông lương của Liên hiệp quốc (FAO) và Viện nghiên cứu Nông nghiệp quốc gia Pháp (INRA), để cung cấp đủ lương thực cho loài người trong bối cảnh lụt lội, hạn hán diễn ra ngày càng trầm trọng, cần phải có một chiến dịch toàn diện chống tình trạng lãng phí lương thực, sử dụng đất đai, nước, phân bón, thuốc trừ sâu một cách hợp lý, cũng như thúc đẩy những phát minh mới trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tạo ra các giống lúa năng suất cao có khả năng chịu được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.