Nhật khảo sát địa chất điện hạt nhân Ninh Thuận

Tàu khảo sát địa chất M.T. Choyo Maru, thuộc Công ty khảo sát địa chất Kawasaki Nhật Bản đến Việt Nam và đang khảo sát địa chất biển phục vụ dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ĐHN Ninh Thuận 2.

Tàu M.T. Choyo Maru sẽ tiến hành khảo sát địa chất trong vòng 43 ngày tính từ 14/9, thời gian hoạt động từ 7h đến 17h mỗi ngày. Tàu kéo theo một cáp tiếp sóng dài 70m, phía cuối cáp có một phao để giữ cho cáp nổi trên mặt nước từ 2 đến 5m. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Ninh Thuận cử 2 tàu tham gia làm nhiệm vụ hộ tống.

Ông Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ đoàn khảo sát, tỉnh đã có thông báo yêu cầu các chủ phương tiện nổi, tàu thuyền đánh cá của ngư dân trong và ngoài vùng biển này tạm thời không hoạt động tại các khu vực thuộc phạm vi hoạt động của tàu khảo sát M.T. Choyo Maru, với bán kính ít nhất 2km.


Tàu khảo sát địa chất Choyo Maru. (Ảnh: dokai.co.jp)

Theo tính toán của Bộ Tài nguyên Môi trường, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế, động đất 8,3 độ richter xảy ra ở khu vực rãnh nước sâu Manila có thể tạo nên sóng thần cao 5,2m tại Quảng Ngãi và 2,1m vùng Nha Trang. Động đất 9,2 độ richter có thể tạo ra sóng thần cao 10,6 m ở Quảng Ngãi và 5m tại Nha Trang. Thời gian sóng thần đi từ vùng rãnh nước sâu Manila tới bờ biển Việt Nam, trực tiếp ảnh hưởng trên vùng biển Trung Nam Bộ sau khoảng 2 giờ. Ninh Thuận được các nhà địa chất xác định là vùng động đất cấp 5 hoặc 6.

Về mặt khoa học, các trận động đất có cường độ lớn hơn 6,5 độ richter ở các vùng biển có khả năng gây ra sóng thần. Bộ Khoa học công nghệ đã đặt hàng các nhà khoa học Viện Địa chất và Viện Vật lý địa cầu thực hiện đề tài “Đánh giá về hoạt động đứt gãy ở khu vực dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2”. Đây cũng là cơ sở để hoàn thiện những quy chuẩn về an toàn cho máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.

Tại hội nghị điện hạt nhân Ninh Thuận lần thứ 9 diễn ra hồi tháng 8, ông Vương Hữu Tấn - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử, cho biết dự kiến đầu năm 2013, tất cả thông số về địa chất, nguy cơ thiên tai (bao gồm cả sóng thần) sẽ có đầy đủ, để đến năm 2014 có thể khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 theo đúng kế hoạch.

Trong hội nghị này, các nhà khoa học cũng đề nghị khảo sát bổ sung địa chất hai khu vực dự kiến xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, do những nghiên cứu ban đầu chưa đầy đủ. Tiến sĩ Trần Tân Văn, Viện trưởng Khoa học địa chất và khoáng sản, cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã khảo sát địa chất của vùng đất Vĩnh Hải, Phước Dinh - địa điểm dự kiến xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân. Kết quả cho thấy có một số đứt gãy đã bị bỏ sót trong các nghiên cứu, khảo sát trước đây.

Ví dụ hai đứt gãy Suối Mía ở Phước Dinh và Vĩnh Hải 2 ở Vĩnh Hải. Đứt gãy Suối Mía không thể hiện rõ ràng trên đất liền nhưng đáy biển biểu hiện rõ dưới dạng một lạch nước ngầm. Hệ đứt gãy này tạo thành một địa hào rộng khoảng 1.520m cắt qua cả đá gốc lẫn thềm biển và tạo nên đoạn bờ biển khá thẳng ở Vĩnh Hải. Hiện chưa có cơ sở để kết luận về tuổi và tính chất hoạt động của nó.

Tương tự, đứt gãy Vĩnh Hải cũng chưa được đo vẽ, nghiên cứu nhưng tiến sĩ Văn cho rằng rất đáng lưu ý bởi nó tạo nên bờ biển rất thẳng ở khu vực Vĩnh Hải, đồng thời tách Hòn Đeo ra khỏi đất liền và gây giập vỡ mạnh một loạt đảo phía đông bắc. Đứt gãy này cũng làm xuất lộ nước ngầm chứa soda tạo nên cát sạn vôi ở ngay sát mép nước dọc bờ biển Vĩnh Hải.

Nhóm nghiên cứu đặc biệt lưu ý hai đứt gãy nêu trên và đứt gãy Núi Chúa có thể gây động đất, dịch chuyển làm biến dạng, phá hủy công trình.


Khu vực được quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Ninh Thuận ở Vĩnh Tường. (Ảnh: Sơn Ninh)

Cũng tại hội thảo, PGS.TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 sẽ xây dựng các lò phản ứng thế hệ thứ 3 hoặc 3+. Do vậy, hệ số an toàn sẽ cao hơn nhiều lần so với lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Việt Nam và Nga đang gấp rút thực hiện các nghiên cứu để xây dựng một báo cáo đầy đủ trình Thủ tướng phê duyệt địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Theo tiến sĩ Tấn, nếu trong quá trình nghiên cứu phát hiện các yếu tố không đảm bảo an toàn cho dự án thì phải thay đổi địa điểm đã chọn.

Theo đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, hiệp định về xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đã được ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga. Hai bên đang thảo luận hợp đồng làm báo cáo khả thi và tiến hành khảo sát địa điểm xây dựng nhà máy.

Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đang được các đối tác Việt Nam và Nhật Bản thảo luận để triển khai nghiên cứu địa điểm và lập báo cáo khả thi. Thủ tướng đã đồng ý triển khai dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân hợp tác với Liên bang Nga. Hai bên đã tiến hành đàm phán hiệp định và dự kiến sẽ ký kết hiệp định liên chính phủ về xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân vào cuối năm 2011.

Ông Sueo Machi, nguyên Phó Tổng Giám đốc cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), hiện là Điều phối viên Diễn đàn hợp tác hạt nhân Châu Á (FNCA), phát biểu tại hội thảo là vai trò của người vận hành nhà máy điện hạt nhân rất quan trọng, đòi hỏi phải được đào tạo chuyên sâu. Ông cho biết thêm: "Năm 2010, Nhật Bản đã đào tạo cho Việt Nam 50-60 lượt cán bộ trong lĩnh vực điện hạt nhân. Tới đây, Nhật Bản sẽ tiếp tục giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm vận hành nhà máy điện hạt nhân an toàn".

Theo Vnexpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video