Trong Thế chiến thứ hai, các nhà khoa học Nhật Bản từng tận dụng sức mạnh của gió để chế tạo loại vũ khí có khả năng bay từ châu Á sang châu Mỹ.
Vào năm 1940, một số nhà khoa học Nhật đã lập bản đồ các luồng gió lớn bằng cách thả nhiều khí cầu từ phía tây Nhật Bản để chúng bay về phía tây. Họ gắn nhiều thiết bị vào khí cầu để đo các luồng gió. Trong quá trình phân tích dữ liệu từ các thiết bị, họ phát hiện một luồng gió mạnh xuyên Thái Bình Dương ở độ cao chừng 9km.
Sau khi biết sự tồn tại của luồng gió xuyên đại dương, vào năm 1944, quân đội Nhật Bản đã chế tạo một loại bom dành cho khí cầu. Theo các sử gia, đây chính là loại vũ khí xuyên đại dương đầu tiên trên thế giới. Giới lãnh đạo quân sự Nhật Bản muốn thả khí cầu bom sang Mỹ nhờ luồng gió mà họ phát hiện, National Geographic đưa tin.
Một khí cầu bom của Nhật Bản trong Thế chiến II. (Ảnh: af.mil)
Các chuyên gia ước tính rằng khí cầu sẽ bay tới bờ biển phía tây nước Mỹ trong 30 tới 60 giờ. Tuy nhiên, sự khó lường của thời tiết khiến cho họ không thể điều khiển vụ tấn công.
"Họ chỉ có thể thả khí cầu lên trời rồi chờ đợi những diễn biến tiếp theo. Tuy nhiên, lợi thế của kiểu tấn công bằng khí cầu xuyên đại dương là bính lính Nhật sẽ không đối mặt với rủi ro", Dave Tewksbury, một chuyên gia về địa lý của Đại học Hamilton tại Mỹ, phát biểu.
Khi khí cầu rơi xuống đất, người dân sẽ không thể biết chúng tới từ đâu. Song các nhà địa chất có thể tìm ra nơi khí cầu xuất phát nhờ vật chất mà chúng mang theo. Đại tá Sigmund Poole, người đứng đầu Cơ quan Địa chất của quân đội Mỹ, đã phân tích cát trong một khí cầu. Sau khi phân tích, họ kết luận đó là loại cát ở bờ biển phía đông của Tokyo.
Quân Nhật thả khí cầu đầu tiên vào ngày 3/11/1944. Từ đó tới tháng 4/1945, các chuyên gia ước tính khoảng 1.000 khí cầu đã tới Mỹ. Giới chức Mỹ ghi nhận sự xuất hiện của 284 khí cầu. Sau chiến tranh, những tài liệu mà người Mỹ thu của Nhật Bản cho thấy quân đội Thiên hoàng đã thả 9.000 quả.
Chính phủ Nhật Bản ngừng cấp tiền cho chương trình chế tạo khí cầu bom khi không quân Đồng minh đánh phá các nhà máy chế tạo khí hydro của họ. Do khí hydro trở nên khan hiếm hơn, người Nhật không có đủ khí hydro để bơm vào khí cầu. Ngoài ra bộ máy lãnh đạo của Nhật Bản thời đó cũng không biết hiệu quả của những khí cầu, bởi hồi đó những tin tức về khí cầu từ Mỹ không lọt sang Nhật Bản.
Việc Mỹ bảo giữ kín thông tin về khí cầu gây nên một số hậu quả đáng tiếc, bởi người dân không hề biết về sự tồn tại của chúng. Ngày 5/5/1945, một phụ nữ mang thai và 5 trẻ em chết khi họ chơi cùng một khí cầu giấy mà họ phát hiện trong một khu rừng tại bang Oregon. Đây là thiệt hại về nhân mạng duy nhất do kẻ thù gây nên trên lãnh thổ Mỹ trong Thế chiến thứ hai.