Trong thời gian xảy ra sự cố hạt nhân ở nhà máy điện Fukushima năm ngoái, Mỹ đã từng đề xuất gửi chuyên gia hạt nhân hỗ trợ, nhưng Nhật từ chối vì sợ đụng chạm quyền tự chủ quốc gia, một quan chức Nhật cho biết ngày 27/5.
“Đại sứ Mỹ John Roos đã nói rằng Mỹ hy vọng có thể gửi kỹ sư hạt nhân của họ đến làm việc tại văn phòng thủ tướng nhằm giúp giải quyết hậu quả cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima. Nhưng trên quan điểm về quyền tự chủ của Nhật, tôi đã từ chối đề nghị này”, Bộ trưởng Công thương Nhật Yukio Edano nói trước Ủy ban về hạt nhân của Quốc hội.
Đề xuất này của Mỹ được gửi cho Nhật vào ngày 14/3/2011, ba ngày sau khi xảy ra trận động đất mạnh 9 độ richter gây rò rỉ chất phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Khói bốc ra từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào tháng 3/2011
“Người Mỹ rõ ràng là đã rất lo lắng và vào thời điểm đó tôi cũng trong trạng thái tương tự, do việc chia sẻ thông tin về cuộc khủng hoảng hạt nhân giữa hai nước đã không diễn ra suôn sẻ. Vì vậy, họ đã đưa ra đề nghị nói trên ngay sau khi thảm họa xảy ra”, ông Edano thuật lại.
Theo thông tin của một hãng tin Nhật Bản, Tokyo cũng đã từ chối các hỗ trợ kỹ thuật từ phía Mỹ nhằm làm nguội ngay lập tức thanh nhiên liệu tại các lò phản ứng hạt nhân.
Sau đó, Mỹ đã cung cấp các hỗ trợ về nhân sự, bao gồm việc điều động lính thủy đánh bộ và máy bay tham gia các công tác cứu hộ khẩn cấp.
Được biết, phiên điều trần ngày 27/5 do Ủy ban về hạt nhân của Quốc hội Nhật tổ chức, tập trung tìm hiểu lý do tại sao chính quyền do cựu thủ tướng Naoto Kan chậm trễ trong việc tiến hành các biện pháp ứng cứu khẩn cấp mà lẽ ra đã có thể ngăn việc rò rỉ chất phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Ủy ban cũng sẽ điều tra xem tại sao chính quyền lúc đó chậm công bố thông tin về vụ rò rỉ phóng xạ cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng. Kết quả của phiên điều trần sẽ được đưa ra vào tháng 6 tới.