Bác sĩ Daniel Benjamin
Một cuộc nghiên cứu có qui mô lớn phát hiện rằng 80% trẻ em nằm viện ở Mỹ được cho dùng các loại thuốc vốn chỉ được thử nghiệm và cấp phép sử dụng cho người lớn. Điều này thường làm cho các bác sĩ nhi khoa có một giả định có thể rất nguy hiểm là nếu một loại thuốc có tác dụng trên người lớn thì nó cũng an toàn đối với trẻ em.
(Ảnh: voanews.com)
Bác sĩ Daniel Benjamin thuộc Trường đại học Duke University nói rằng khi các bậc cha mẹ tin tưởng giao đứa con bị ốm của mình cho các nhân viên trong bệnh viện thì hầu hết họ đều không biết được sự việc khó chịu này. “Đa phần khi chúng tôi điều trị bệnh cho trẻ, chúng tôi đều không biết liệu chúng tôi đã cho đúng thuốc hay chưa, thuốc đó an toàn đến mức độ nào và liều sử dụng đúng là bao nhiêu.” Bác sĩ Benjamin nói rằng mỗi lần kê toa thuốc cho một đứa trẻ, ông đều nghĩ về các điều này. “Thường thì tôi lo lắng và tự hỏi: Thuốc này có gây nhiều bất lợi hơn cho đứa trẻ hay không? Thuốc này có làm cho đứa trẻ bị tổn hại nhiều hơn là do chính căn bệnh gây ra hay không?”
Một cuộc nghiên cứu do Bệnh viên nhi đồng Philadelphia thực hiện kết luận rằng có gần 4 trong số 5 trẻ nhập viện tại Mỹ được cho dùng thuốc chỉ được thử nghiệm trên người lớn.
Bác sĩ Dr. Samir Shah, tác giả dẫn đầu cuộc nghiên cứu nói rằng mặc dù cuộc nghiên cứu này chỉ xem xét thuốc được kê toa trong bệnh viện, nhưng trường hợp ở bên ngoài bệnh viện cũng vậy: Trẻ em được cho dùng các loại thuốc tương tự như người lớn.
Cuộc nghiên cứu này cũng chứng minh rằng những hậu quả của việc dùng thuốc như vậy có thể nghiêm trọng hoặc thậm chí gây chết người. Thông thường, các bác sĩ không có chọn lựa nào khác ngoài việc kê toa các loại thuốc như vậy, đặc biệt là cho những trẻ bị ốm nặng.
Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm của Hoa Kỳ đã có những biện pháp khuyến khích các công ty dược phẩm tăng cường số lượng thuốc được thử nghiệm trên trẻ em. Các tác giả của cuộc nghiên cứu trên trẻ em này kêu gọi thậm chí cần phải thu thập thêm nhiều thông tin hơn nữa về các loại thuốc thường được kê toa nhưng chưa được thử nghiệm trên trẻ em.
Hồng Lĩnh