Một công ty tiếp thị của Mỹ tiến hành cuộc thăm dò với 3.000 người trước khi phát động chiến dịch quảng cáo về một bộ phim khoa học viễn tưởng. Những người tham gia được hỏi về quan điểm đối với thần thánh, sinh vật ngoài hành tinh và ma.
58% số người tham gia nói họ tin vào sự tồn tại của sinh vật ngoài trái đất và ma, trong khi 54% thừa nhận rằng họ tin Chúa thực sự tồn tại. Tỷ lệ phụ nữ tin vào thế giới siêu nhiên cao hơn so với nam giới và họ cũng tham gia các hoạt động tín ngưỡng nhiều hơn.
Nhiều nhà khoa học cho rằng con người có xu hướng tin vào những hiện tượng mà họ không thể nhìn thấy hay giải thích. Một cuộc khảo sát tại các đại học Mỹ năm 2006 cho thấy, 23% sinh viên năm thứ nhất tin vào thế giới thần bí như xem tử vi và nói chuyện với người chết. Tỷ lệ này ở sinh viên năm thứ hai trở lên và sinh viên đã tốt nghiệp là 31%.
Một số chuyên gia tâm lý và xã hội học nhận định chúng ta thừa hưởng niềm tin vào thế lực siêu nhiên từ tổ tiên. Christopher Bader, nhà xã hội học Đại học Baylor (Mỹ) nhận xét: "Niềm tin vào hiện tượng thần bí tồn tại trong tiềm thức của một cá nhân ngay từ khi chào đời. Trải qua thời gian, niềm tin ấy không mất đi mà chỉ thay đổi về nội dung. Chẳng hạn, ngày nay ít người tin vào thần tiên nhưng số người tin vào sự tồn tại của đĩa bay lại tăng lên".
Tôn giáo và niềm tin vào hiện tượng siêu nhiên không hề có mối quan hệ khăng khít. Hàng chục cuộc thăm dò ý kiến cho thấy một thực tế hoàn toàn trái ngược. "Niềm tin vào hiện tượng siêu nhiên càng tăng thì niềm tin vào Chúa trời và thánh thần càng giảm. Những tín đồ sùng đạo hiếm khi tin vào sự tồn tại của sinh vật ngoài vũ trụ hoặc ma", Rod Stark, nhà tâm lý của Đại học Baylor, khẳng định.