Một nhóm du khách may mắn bắt gặp xác mực khổng lồ mắc cạn với một số vết cắn trên thân ở bãi biển thuộc vịnh Golden.
Xác mực khổng lồ dài 4m. (Ảnh: Anton Donaldson)
Anton Donaldson, hướng dẫn viên của công ty du lịch Farewell Spit Tours được một đồng nghiệp thông báo về xác mực dạt vào bãi cát ở mũi đất Farewell tại vịnh Golden, New Zealand, Newsweek hôm 12/9 đưa tin. Khi Donaldson và đoàn du khách tới đó, họ thấy con mực dài 4m đang nằm trên cát.
"Đối với phần lớn mọi người, đây là cơ hội chỉ có một lần trong đời. Mực khổng lồ rất hiếm gặp trên bất kỳ bãi biển nào, vì vậy bạn cần có mặt đúng lúc bởi vật chất hữu cơ không tồn tại mãi mãi", Donaldson chia sẻ. Theo anh, con mực có dấu vết bị cắn, nhiều khả năng do sinh vật biển khác như cá mập nhỏ gây ra.
Mực khổng lồ là động vật thân mềm lớn thứ hai trên thế giới, chỉ xếp sau mực colossal, có thể dài tới 13 m. Giới nghiên cứu cho rằng chúng có ở khắp nơi trên toàn cầu nhưng hiếm khi được trông thấy còn sống. Mực khổng lồ sống ở độ sâu khoảng 305 - 1.000 m. Lần duy nhất mực khổng lồ được ghi hình là năm 2006 ở ngoài khơi quần đảo Ogasawara, Nhật Bản. Theo thủy cung Two Oceans ở Nam Phi, có 677 trường hợp bắt gặp mực khổng lồ.
Loài mực này có đôi mắt to nhất trong thế giới động vật, lớn cỡ cái đĩa với đường kính 25 cm, theo National Geographic. Các nhà nghiên cứu cho rằng mực khổng lồ tiến hóa đôi mắt to như vậy để phát hiện ánh sáng phát quang sinh học từ con mồi trong bóng tối ở độ sâu hàng trăm mét. Chúng là con mồi phổ biến của cá nhà táng, ngoài ra xác mực còn được tìm thấy trong bụng cá voi hoa tiêu, cá mập sleeper phương nam và cá voi sát thủ.