Một nhóm kiến lười trong đàn được cho có nhiệm vụ đẻ trứng làm thực phẩm nuôi đàn.
Hai nhà nghiên cứu Daniel Charbonneau và Anna Dornhaus tại Đại học Arizona, Mỹ trong nghiên cứu mới chỉ ra khả năng một nhóm kiến lười ở loài Temnothorax rugatulus có nhiệm vụ đẻ trứng làm thức ăn cho cá thể làm việc vất vả hơn trong đàn, New Scientist ngày 4/8 đưa tin.
Kiến phân công nhiệm vụ cho các thành viên khác nhau trong đàn. (Ảnh minh họa: Alex Wild).
Kiến Temnothorax rugatulus xây tổ dưới đá trong rừng ở tây Bắc Mỹ. Hầu hết các cá thể được phân công nhiệm vụ hàng ngày, nhưng một nhóm kiến bị xếp loại lười vì dường như không làm gì, theo nghiên cứu năm 2015 của hai nhà khoa học.
Tuy nhiên, phân tích cấu trúc và hành vi của nhóm kiến này trong nghiên cứu mới, Charbonneau và Dornhaus cho rằng hành vi của nhóm kiến này là khác biệt, không phải lười và có vai trò lớn hơn trong đàn. "Chúng bước chậm hơn, tách biệt hơn trong mạng lưới giao tiếp của đàn và có ít hành vi nhất", Charbonneau nói.
Kiến lười dường như là kiến thợ chưa trưởng thành. Cơ thể có xu hướng tròn hơn, có thể là bằng chứng của việc tích trữ thức ăn trong đường tiêu hóa để chia sẻ với đồng loại. Có khả năng chúng mang nhiều tế bào trứng hơn cá thể khác để làm thực phẩm dinh dưỡng cho đồng loại. Hành vi đẻ trứng không được thụ tinh đã được ghi nhận ở loài kiến khác.
Theo Erik Frank tại Đại học Würzburg, Đức, có khả năng kiến lười tồn tại để làm lực lượng dự bị của đàn. "Có thể có tình huống đàn cần số lượng lớn như bảo vệ tổ hay thay thế cho kiến thợ bị chết", Frank nói.
Charbonneau không đồng tình với quan điểm này. Ông có kế hoạch kiểm chứng tính phổ biến kiến lười trong các đàn kiến. "Điều tiếp theo cần làm là nghiên cứu chức năng và tìm lời giải thích của hành vi nhàn rỗi trong các loài kiến nhằm tìm ra cơ chế chính tạo ra hành vi này nếu có", ông nói.