Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học Mỹ cuối cùng cũng thành công trong việc cho ra đời những chú chó từ thụ tinh ống nghiệm.
Ra đời những chú chó thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên
BBC ngày 10/12 dẫn tuyên bố của các nhà khoa học nói thành công này có ý nghĩa quan trọng, có thể giúp bảo tồn các nguồn gene quý hiếm cũng như giúp giới khoa học tìm ra biện pháp chống lại các loại bệnh tật ở người và động vật.
Một trong 7 chú cún ra đời nhờ thụ tinh ống nghiệm - (Ảnh: BBC).
Nghiên cứu do các nhà khoa học tại ĐH Cornell, New York, Mỹ thực hiện. Họ đã dùng phôi đông lạnh cấy vào một con chó cái bằng cách sử dụng kỹ thuật tương tự như kỹ thuật dùng trong thụ tinh ống nghiệm ở người.
Trước đây các nhà khoa học gặp nhiều trục trặc khi cấy phôi đông lạnh, nhưng nhóm nghiên cứu nói họ đã hoàn thiện kỹ thuật này.
Những chú cún xinh xắn ra đời nhờ thụ tinh ống nghiệm - (Ảnh: BBC).
"Chúng tôi đã có 7 con chó con khỏe mạnh, vui vẻ, bình thường", trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Alex Travis, nói.
Ông cho biết từ giữa những năm 1970, con người đã cố gắng thụ tinh ống nghiệm ở chó nhưng không thành công. "Giờ thì chúng ta có thể sử dụng kỹ thuật này để bảo tồn gene của những loài động vật nguy cấp", ông nói.
Video những chú cún đầu tiên ra đời nhờ thụ tinh ống nghiệm - (Nguồn: BBC).
Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí PLoS One, được mô tả là một "bước tiến lớn" trong ngành thú y.
Ngoài việc giúp bảo tồn những loài nguy cấp, nó còn có thể được sử dụng trong các nghiên cứu về bệnh tật ở con người và loài chó.
Theo các nhà khoa học, chó có nhiều bệnh giống với con người - gần gấp đôi so với các loài khác.