Những chiến thắng lớn trong lịch sử nước Việt đều do thủy quân, tượng binh, bộ binh chứ kỵ binh không phải là binh chủng chủ lực. Thế nhưng lịch sử vẫn lưu lại những sự kiện về những con ngựa quý với những bài học thành công cũng như thất bại mang ý nghĩa biểu tượng của ngàn đời đáng suy ngẫm.
Truyền kỳ về những con ngựa nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam
Ngựa, voi là vật quý được triều đình chăm sóc
Ngay từ thời xa xưa, người Việt đã ý thức được vai trò, sức mạnh của con ngựa trong chiến tranh. Huyền thoại về con ngựa sắt của Phù Đổng Thiên Vương là câu chuyện mang ý nghĩa sâu xa về tinh thần yêu nước, ý chí gìn giữ độc lập của một dân tộc.
Hình tượng cậu bé cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt phá giặc Ân là sức mạnh động viên cho chính nghĩa, là lòng tin cho sức mạnh giữ nước mà tổ tiên muốn truyền cho con cháu. Truyền thuyết ấy không đặt ở sức mạnh siêu nhiên, không hướng người ta vào những quyền phép phi thực mà đề cao sức mạnh của dân tộc, người anh hùng trẻ tuổi sinh ra trong lòng dân tộc, lớn lên nhờ những nồi cơm của dân làng.
Không giống như truyền thuyết con ngựa Xích Thố, Đích Lư... sức đi ngàn dặm có khả năng nguồn gốc đặc biệt. Con ngựa sắt của cậu bé làng Gióng chỉ do người dân Việt làm ra từ nguyên liệu bình thường sẵn có. Con ngựa cũng không có phép thần thông chỉ chạy được, phun ra lửa và cùng người đánh giặc. Khi giặc tan, người ngựa cùng bay về trời.
Các triều đại phong kiến Việt Nam đã ý thức rõ sức mạnh và tầm quan trọng của ngựa và voi nên đặt ra hai cơ quan để chăm sóc, nuôi dưỡng và huấn luyện hai con vật này, đó là Viện Tượng chính và Mã chính. Năm 1509, vua Lê Uy Mục cho đặt hai chức quan là Giám ti Ngự Tượng và Ngự mã.
Trong “Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ” của Quốc Sử Quán triều Nguyễn đã dành riêng quyển 175 để quy định về vấn đề Mã chính; bao gồm ngạch ngựa, chăn nuôi ngựa, kén chọn ngựa, khám nghiệm ngựa, diễn ngựa, trang sức cho ngựa... Ngựa nuôi ở kinh thành thì thuộc vào viện Thượng Tứ, ở nhà trạm men đường ngoài các tỉnh thuộc các thành, trấn, đạo sở tại...
Ngựa để dùng trong thông tin liên lạc khác với ngựa trong việc vận chuyển kéo xe, lại càng khác xa với ngựa chiến. Người xưa đã phân định rất rõ ràng vai trò trách nhiệm cho các viên quản mục, viên biền cai quản từng loại ngựa, đặt ra chức y sinh để coi sóc, điều trị bệnh cho ngựa, giúp ngựa lúc sinh nở như các thú y sĩ chuyên trách về ngựa bây giờ.
Quân Nguyên Mông ba lần vào xâm chiếm nước ta đem theo hàng vạn con ngựa chiến từ thảo nguyên Mông Cổ, Vân Nam, Kinh Bắc, Tân Cương. Khi thất trận tháo chạy thì trong số chiến mã này, một số thì bị bắt, một số bị lạc trong rừng, trở nên một loài ngựa hoang lai giống với các loài ngựa nước ta sinh ra loài ngựa quý mới.
Chiến mã cũng như tướng quân, nơi lập công, thể hiện tài năng là chiến trận.
Lê Quí Ðôn đã từng viết trong quyển Vân Ðài Loại Ngữ: “Nước ta, tỉnh Tuyên Quang và Cao Bằng đều sẵn nhiều ngựa. Phủ Phú Yên và xứ Quảng Nam càng nhiều ngựa, hàng trăm, hàng ngàn, thành đàn như là trâu dê. Khách buôn, đàn bà cũng cưỡi ngựa, dùng ngựa thồ hàng rồi bán luôn cả ngựa”.
Danh tướng Lý Thường Kiệt với ngựa Song Vỹ Hồng
Trong những chiến mã của Đại Việt, nổi tiếng nhất có hai con Song Vỹ Hồng của danh tướng Lý Thường Kiệt (1019 -1105) và con Nê Thông của vua Trần Duệ Tông (1372-1377). Nguyên, ngày xưa người ta đánh giá và phân biệt tên con ngựa quý theo sắc lông như sau:
Ô, Ly là ngựa có sắc lông màu đen (con Ô Trung cũa Hạng Võ ); Phiêu là ngựa có sắc lông xanh trắng (chức Phiêu Kỵ tướng quân thường dành cho các hoàng tử). Lạc là ngựa vằn. Tinh là ngựa hồng, nên con ngựa của Lý Thường Kiệt còn được gọi là còn được gọi là Song Vỹ Tinh. Nê là để chỉ con ngựa lông có hai màu: trắng và đen. Thông chỉ ngựa sắc lông màu xanh.
Song Vỹ Hồng là chiến mã có bộ lông hồng với đuôi dài có hai màu, hồng một bên và trắng một bên. Khi nó cất vó phi, trông như con thần mã có hai đuôi, nên được gọi là Song Vỹ Hồng, nghĩa là ngựa hồng hai đuôi.
Song Vỹ Hồng là con ngựa chiến cùng Lý Thường Kiệt bình Chiêm, phá Tống. Năm 70 tuổi Lý Thường Kiệt còn cầm quân đi đánh Chiêm Thành, bắt sống vua Chiêm, năm 85 tuổi còn đi dẹp loạn. Sử sách không ghi rõ công lao của con chiến mã này nhưng chắc hẳn tài năng của nó có đóng góp lớn trong những chiến công của danh tướng Lý Thường Kiệt. Đó là trường hợp ngựa hay gặp tướng giỏi, cả hai cùng làm nên lịch sử.
Duệ Tông vong mạng dù có ngựa Nê Thông
“Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” ghi lại sự kiện vua Trần Duệ Tông có con ngựa Nê Thông cực kỳ quý hiếm. Như đã nói ở phần trên, qua cách gọi tên có thể hiểu con ngựa của Nê Thông của vua Duệ Tông quả là hiếm thấy, màu sắc lông của nó là một sự pha trộn màu sắc thật kỳ diệu của ba màu trắng, đen và xanh.
Năm đó chúa Chiêm Thành Chế Bồng Nga quấy rối biên giới, vua sai Hành Khiển Đỗ Tử Bình đem quân trấn giữ Hóa Châu. Bồng Nga đem 10 mâm vàng dâng lên vua. Tử Bình ỉm đi, cướp làm của mình, nối dối là Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, nên đem quân đánh.
Vua giận lắm, quyết ý thân chinh đánh Chiêm Thành, dẫn 12 vạn quân xuất phát từ Thăng Long. Vua cưỡi ngựa Nê Thông dẫn quân bộ, men theo bờ biển, đến cửa biển Nhật Lệ đóng quân lại, luyện tập trong một tháng.
Trận đánh đó, vua tử trận. Sử không ghi lại số phận con ngựa Nê Thông nhưng có lẽ nó cũng cùng số phận với chủ trong trận đánh này. Ở đây là bài học ngược lại, ngựa hay cốt ở tài phi đường dài, khôn ngoan trên chiến trận chứ đâu phải cốt ở màu lông.
Vua Duệ Tông không biết nghe lời phải của trung thần, ra chiến trận mà không nắm phép dùng binh, cả tin vào con ngựa có sắc lông đẹp mà vong mạng thật là đáng tiếc nhưng cũng không sai quy luật. Ở đây, dù hay hay dở thì Nê Thông đã gặp phải vị vua có chí mà kém tài nên đã uổng mạng sa trường.
Chiến mã, thần mã chỉ để trong cung cũng thành vô dụng
Minh Mạng là ông vua giỏi việc triều chính đã thực hiện nhiều cải cách hành chính quan trọng, xây dựng chế độ nhà nước trung ương tập quyền. Sử sách ghi lại Minh Mạng có cả bầy ngựa quý gồm có con: Phúc Thông, Cát Thông, An Tường Ký, Thần Lương, Phúc Lưu, Cát Lưu, Thiên Mã. Trong đó, Thiên Mã là con ngựa từ nước Tây Vực (Apganistan hiện nay) được nhập vào trong tàu ngựa của Hoàng đế năm 1830.
Vua Minh Mạng đã ban du phong chức cho con Thiên Mã như sau: "Ta đã sai dong yên ngồi cưỡi, chạy nhanh như chớp gió, thật vượt mức trong các loài ngựa có bốn nước đại và ba đợt nhảy cao, lại cao siêu hơn loài ngựa có chín đức tính tốt và tám thứ ngựa giỏi, nên ban cho tên đẹp để tỏ cái đức con ngựa quý, nay gọi trên là Đại Uyển Long Tuấn".
Với con An Tường Ký, vua Minh Mạng đã nhận xét như sau: “Đô thống Pham Văn Điễn có dâng con ngựa trắng, dù là không là giống ngựa tuyệt trần chạy bay như mây, nhưng trẫm cưỡi thấy được yên ổn nên gọi nó là An Tường Ký".
Tuy nhiên chiến mã cũng như tướng quân, nơi lập công, thể hiện tài năng là chiến trận. Dù tài giỏi đến mấy nhưng chỉ để phục vụ thú vui của một người dù là một ông vua thì cũng phí hoài. Người ta nhắc đến Xích Thố bởi nó đã đưa Quan Công lên vinh quang, nhắc đến Đích Lư bởi nó nhảy qua khe cứu Lưu Bị thoát chết, nhắc đến Song Vỹ Hồng bởi nó cùng Lý Thường Kiệt phá Tống bình Chiêm. Con Thiên Mã, An Tường Ký dù được phong quan tiến chức thì cũng là một thứ đồ chơi hoài phí.