Những công dụng khác thường của máu

Máu không chỉ là thành phần giúp duy trì sự sống, mà còn có nhiều công dụng khác thường.

Máu là một thành phần không thể thiếu trong cơ thể của chúng ta, không chỉ giúp duy trì sự sống, máu còn được sử dụng như một thành phần thiêng liêng của những nghi thức cúng tế. Không chỉ có vậy, các nhà khoa học còn tìm ra những công dụng khác thường của máu mà có thể bạn chưa bao giờ được nghe nói đến.

1. Gạch làm bằng máu

Kiến trúc sư người Anh, Jack Munro có thể được xem như một bá tước ma cà rồng thời hiện đại với việc xây dựng một ngôi nhà bằng những viên gạch làm từ máu. Mỗi ngày trên thế giới có hàng triệu gia súc bị mổ thịt, kéo theo có một lượng lớn máu gia súc không được sử dụng. Là một kiến trúc sư, Munro đã thử nghiệm một ý tưởng khá kỳ lạ sử dụng máu để làm ra những viên gạch. Và thật bất ngờ là ông đã thành công.

Munro lấy máu bò tươi và trộn với cát, nước, chất bảo quản và chất chống đông máu. Hỗn hợp sau đó được đặt trong một khuôn và cho vào lò nung theo quá trình tương tự như làm ra những viên gạch bình thường. Việc sử dụng máu gia súc để làm ra những viên gạch sẽ giúp giảm chi phí xây dựng một cách đáng kể. Trong tương lai, Munro dự định sẽ thiết kế một ngôi nhà được làm hoàn toàn từ máu gia súc. Chắc chắn giá thành của nó sẽ rất rẻ, tuy nhiên bạn có muốn sống trong một ngôi nhà được làm bằng máu hay không, nghe có vẻ hơi kinh dị.

2. Kháng sinh từ máu sam biển

Một phát minh tình cờ khi các nhà khoa học nghiên cứu loài sam biển, họ phát hiện ra rằng trong máu loài giáp xác này có một chất đặc biệt được gọi là coagulen. Hóa chất này có khả năng phát hiện các loại vi khuẩn có hại trong cơ thể và đóng băng chúng như một dạng gel. Nó không thể tiêu diệt các vi khuẩn này, tuy nhiên có thể ngăn chặn chúng không gây hại cho cơ thể, tác dụng tương tự như một loại kháng sinh.

Không chỉ vậy, loại chất này còn có thể dùng để sát khuẩn các thiết bị y tế khá hiệu quả. Các nhà khoa học tìm cách lấy máu của những con sam biển mà không làm chúng chết, do đó không làm ảnh hưởng đến số lượng của loài động vật này. Dự kiến mỗi năm có khoảng nửa triệu con sam được lấy máu để điều chế loại chất này.

3. Sơn màu bằng máu

Một dự án nghệ thuật vô cùng đặc biệt của họa sĩ Vincent Castiglia đã sử dụng chính máu của mình để vẽ nên các bức tranh. Ban đầu ông chỉ sử dụng một chút máu của mình và hòa vào sơn màu để vẽ một bản vẽ nhỏ, tuy nhiên sau đó ông đã quyết định vẽ một bức chân dung cao hơn đầu người và tiếp tục với cả một triển lãm những bức tranh bằng máu.

Castiglia cho biết ông dùng một cây bút hoặc than chì phác họa bức tranh, sau đó ông trích máu của mình ra, pha chế một cách thích hợp và dùng cọ phết lên tranh. Máu trong tranh của Vincent Castiglia có màu đỏ đất. Ông cũng chia sẻ thêm, Máu người có chứa oxit sắt. Đây là một sắc tố được tìm thấy nhiều trong các loại sơn màu truyền thống, việc sử dụng máu của mình để vẽ tranh là cách ông kết nối tâm hồn với tác phẩm của mình.

4. Bánh bằng máu

Khi làm bánh, bạn có thể cho thêm bột socola hoặc vị hoa quả để chiếc bánh thêm hấp dẫn, tuy nhiên thay vì thế nếu cho thêm máu thì hương vị chiếc bánh sẽ ra sao? Blodplattar (có nghĩa là bánh máu) là một loại đồ ăn sáng khá phổ biến ở Thụy Điển và Phần Lan. Công thức của loại bánh đặc biệt này không khác so với một chiếc bánh thông thường, với bột mì, sữa, trứng và một thành phần đặc biệt đó là máu động vật.

Loại bánh này có thể ăn cùng mứt hoặc mật ong giống như pancake. Những người nghĩ ra loại bánh đặc biệt này cho biết, Blodplattar không chỉ có hương vị đặc biệt mà còn cung cấp một lượng protein và sắt bổ dưỡng.

5. Thuốc chữa bệnh tim từ máu rắn

Nhắc đến rắn, nhiều người sẽ nghĩ đến một loài vật bò sát với nọc độc chết người và tốt nhất là nên tránh xa chúng. Tuy nhiên các nhà khoa học đã tìm ra nhiều tác dụng từ loài bò sát này, từ da, thịt, nọc độc cho đến cả máu của chúng. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện ra khi tiêu hóa thức ăn, các loài rắn tăng kích thước của tim để bơm nhiều máu hơn cùng với các axit béo giúp việc tiêu hóa diễn ra nhanh hơn.

Các nhà khoa học đã thử nghiệm bơm máu của rắn cùng với các axit béo này vào trong cơ thể một số con chuột trong phòng thí nghiệm mắc chứng yếu tim. Kết quả cho thấy tình trạng được cải thiện rất nhiều, những con chuột thí nghiệm không gặp nhiều biến chứng bất thường. Mặc dù vẫn còn quá sớm để có thể thử nghiệm trên người, tuy nhiên kết quả của thử nghiệm mở ra hy vọng mới giúp điều trị cho những người mắc bệnh tim bằng liệu pháp đơn giản.

6. Chất bảo quản tự nhiên

Nhờ có khoa học phát triển việc cấy ghép nội tạng giờ đây đã có thể thực hiện dễ dàng hơn, trước đó thì việc này dường như là bất khả thi. Trong nhiều trường hợp, đặc biệt là cấy ghép tim, việc phẫu thuật phải được diễn ra nhanh chóng trong vòng vài giờ trước khi các cơ quan không còn sử dụng được nữa. Do đó các nhà khoa học đã nỗ lực tìm ra cách bảo quan các cơ quan nội tạng bằng cách đóng băng mà không làm chết các tế bào.

Trong nỗ lực tìm kiếm, các nhà khoa học đang thử áp dụng cách thức mà loài ếch gỗ đã sử dụng trong tự nhiên. Loài ếch đặc biệt này có khả năng đóng băng tự nhiên, chúng có thể dừng hoạt động của tất cả các bộ phận bên trong cơ thể khi gặp thời tiết quá lạnh. Sau khi hết mùa đông, các cơ quan trong cơ thể chúng lại hoạt động một cách bình thường.

Các nhà khoa học phát hiện một loại protein đặc biệt có trong máu của loài ếch gỗ, mà không có trong máu của con người. Nếu chúng ta có thể tìm ra cách áp dụng loại protein này vào máu con người, chúng ta sẽ có thể bảo quản các cơ quan nội tạng vô thời hạn.

Theo Genk
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video