Những điều cần biết về tiêu chảy do kháng sinh

Tiêu chảy là một trong những tác dụng phụ phổ biến khi sử dụng kháng sinh, có thể hình thành bệnh lý tại ruột.

Lạm dụng kháng sinh và những hệ lụy

Việc sử dụng kháng sinh được ví như con dao hai lưỡi. Ngoài hiệu quả điều trị diệt vi khuẩn gây bệnh thì kháng sinh cũng gây ra nhiều tác dụng phụ, hay gặp nhất là rối loạn hệ vi sinh đường ruột biểu hiện qua các rối loạn tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy... Trong đó, tiêu chảy liên quan đến kháng sinh là một dạng tiêu chảy cấp có thể xảy ra ở 5-30% bệnh nhân, với tỷ lệ tăng lên khi phổ kháng sinh ngày càng rộng.

Trẻ em dễ bị tiêu chảy khi uống kháng sinh hơn người lớn, do hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn chỉnh. Theo thống kê, tại Việt Nam cứ 5 trẻ sử dụng kháng sinh có một trẻ bị tiêu chảy (tỷ lệ 20%).


Sử dụng kháng sinh bừa bãi sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. (Ảnh: Shutterstock).

Có nhiều cơ chế gây tiêu chảy của kháng sinh. Một số ít kháng sinh gây tăng nhu động ruột làm dịch và thức ăn chưa kịp tiêu hóa bị đẩy nhanh từ ruột xuống hậu môn, không qua quá trình hấp thu vào cơ thể, gây ra tiêu chảy, thường là nhẹ. Trong khi đó, đa số kháng sinh sẽ tác động lên các vi khuẩn gây ra rối loạn hệ vi sinh ở đường ruột, làm tiêu chảy. Một số loại bao gồm cả 2 cơ chế này đặc biệt là nhóm amoxicillin kết hợp với acid clavulanic làm tiêu chảy nặng hơn so với các nhóm khác.

Hệ vi sinh ruột còn có mối liên quan chặt chẽ đến hệ miễn dịch của cơ thể, giúp duy trì một hàng rào chống lại các nguy cơ bệnh tật. Do đó, khi hệ vi sinh ruột bị rối loạn do dùng kháng sinh thì sự đề kháng của cơ thể cũng suy giảm theo. Đây chính là lý do vì sao khi sử dụng kháng sinh quá nhiều thì cơ thể dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn hơn.

Việc tùy ý sử dụng kháng sinh còn gây ra nhiều tác dụng phụ khác trên cơ thể như dị ứng, gây độc cho gan, thận, sốc phản vệ có thể nguy hiểm đến tính mạng. Về lâu dài, việc lạm dụng sẽ dẫn đến tình trạng đề kháng với kháng sinh làm hạn chế hiệu quả điều trị, tác dụng tiêu diệt vi khuẩn của thuốc kém đi, bệnh nặng hơn, có thể dẫn đến tử vong.

Phần lớn các loại kháng sinh đều có thể gây tiêu chảy, nhưng một số loại sẽ dễ gây tiêu chảy hơn các nhóm còn lại như nhóm cephalosporin, clindamycin, penicillin.

Kháng sinh tác động lên hệ vi sinh ruột như thế nào?

Hệ vi sinh vật ruột ở người ngoài các vi khuẩn có lợi và có hại còn có sự tồn tại của các loại virus, nấm, ký sinh trùng sống tự nhiên trong cơ thể.

Thông thường, các vi sinh vật trong đường ruột sẽ tồn tại theo một tỷ lệ cân bằng nhất định. Khi bị tác động bởi yếu tố như sử dụng kháng sinh, thay đổi chế độ ăn hoặc bệnh tật... thì sự cân bằng hiện hữu sẽ bị thay đổi về số lượng, giảm đa dạng các chủng loại vi khuẩn, dẫn đến tình trạng rối loạn hệ vi sinh ruột (tiếng Anh gọi là dysbiosis). Một số nghiên cứu cho thấy, sự rối loạn ở hệ vi sinh ruột gây ra bởi kháng sinh có thể vẫn còn tiếp tục, phát hiện được ở 6 tháng sau khi ngưng kháng sinh.


Không chỉ biểu hiện qua tiêu chảy, rối loạn vi sinh ruột do kháng sinh còn gây ra nhiều bệnh lý lâu dài. (Ảnh: Shutterstock)

Việc sử dụng kháng sinh lạm dụng, kéo dài sẽ làm hệ vi sinh vật ở ruột không kịp hồi phục, dẫn đến tình trạng rối loạn mạn tính, khó hồi phục. Điều này có thể góp phần hình thành các bệnh lý tại ruột như viêm đại tràng kích thích (IBS) hoặc viêm đường ruột (IBD), hay bệnh lý khác toàn thân như béo phì, tiểu đường type 2, bệnh lý về chuyển hóa, bệnh thoái hóa thần kinh Alzheimer. Trẻ em có thể gặp tình trạng hen phế quản, dị ứng, bệnh miễn dịch... Các bệnh lý này thường đeo đuổi suốt đời với chi phí điều trị cao, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.


Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất. (Ảnh: Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ).

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Bản đồ Sử dụng kháng sinh năm 2015 của Tổ chức IMS Health cũng cho thấy Việt Nam thuộc nhóm nước sử dụng nhiều kháng sinh.

Trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn hiệu quả thì Việt Nam phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đáng lo ngại hơn, nước ta đã xuất hiện một số loại siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.

Cập nhật: 03/11/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video