Một con ngựa có trí nhớ về con người và các địa điểm khá tốt khiến chúng được cảnh sát tin dùng khi đi tuần tra, trong khi hành động ngựa cười lại ẩn chứa một bí mật khác mà mọi người ít biết.
>> Vì sao ngựa thường ngủ đứng?
1. Ngựa cười
Khi cuộn môi trên và nhe răng, một con ngựa trông như đang cười. Tuy nhiên, trên thực tế, hành động này lại là một kỹ thuật đặc biệt khi ngựa thể hiện một phản ứng gọi là flehmen nếu sẵn sàng giao phối. Hành động này giúp chúng phát tán mùi hương trong không khí và xác định mùi. Phản ứng này phổ biến ở ngựa đực hơn so với ngựa cái. Tương tự như hươu cao cổ, ngựa giống thường xác định mùi vị nước tiểu trước khi giao phối.
2. Trí nhớ của ngựa
Một nghiên cứu năm 2010 tiết lộ kết quả đáng ngạc nhiên về trí thông minh của ngựa, đặc biệt là khả năng ghi nhớ. Không chỉ hiểu được lời nói, ngựa còn có khả năng nhớ rất lâu. Nếu một con ngựa được chăm sóc và đối xử tốt, nó sẽ nhớ người chăm sóc cho đến lúc chết. Đặc biệt, con ngựa sẽ ngay lập tức nhớ ra người đã chăm sóc nếu nhìn thấy họ, dù không được gặp trong thời gian dài. Chúng cũng có thể nhớ được các địa điểm khá tốt.
3. Ngựa cảnh sát
Ngựa cảnh sát được sử dụng từ thế kỷ 17 và đội cảnh sát ngồi trên ngựa đầu tiên được thành lập vào năm 1805 ở London, Anh. Trong nhiều năm, đội này đã được chứng minh là hoạt động có hiệu quả. Điều này phù hợp với kết quả nghiên cứu về trí thông minh và trí nhớ của loài ngựa. Hiện nay, số lượng ngựa cảnh sát ngày càng ít dần do sự phát triển lấn át của hoạt động tuần tra bằng xe máy cảnh sát và các phương tiện hiện đại khác. Ở nhiều quốc gia, các đội cảnh sát này vẫn hoạt động với mục đích kiểm soát các đám đông.
4. Các con lai với ngựa
Các nhà nghiên cứu từng tạo ra các con lai giữa ngựa vằn, lừa và ngựa. Con lai giữa lừa đực và ngựa cái gọi là la, con lai của ngựa vằn và ngựa thường được gọi là zorse hoặc hebra.
5. Mắt ngựa
Ngựa có thị lực khá tốt nhờ vào đôi mắt có cấu tạo đặc biệt. Đôi mắt ngựa có đường kính khoảng 5 cm, lớn nhất trong các loài động vật có vú sống trên cạn. Mắt chúng cũng nặng hơn gấp 9 lần so với mắt người. Mắt ngựa có 3 mí, hai mí bình thường và một mí thứ ba là một màng chớp nằm ở góc bên trong của mắt. Ngựa không thể tập trung mắt nhìn như người. Thay vào đó, phần dưới của võng mạc sẽ quan sát vật thể ở xa, phần trên võng mạc sẽ dùng để quan sát ở cự ly gần.
6. Giống ngựa lâu đời nhất thế giới
Ngựa Arab được biết đến lần đầu tiên từ cách đây ít nhất 4.500 năm và được coi là một trong những giống ngựa lâu đời nhất trên thế giới. Chúng được coi là giống ngựa có vẻ đẹp mạnh mẽ và oai phong nhất. Ngựa Arab có thân hình rắn chắc, đuôi cao và phần đầu có hình dạng khá độc đáo. Cấu trúc xương của giống ngựa này cũng hơi khác biệt so với các giống ngựa khác. Xương sườn của chúng rộng hơn, khỏe hơn và sâu hơn, nhưng lại có ít đốt sống đuôi và xương thắt lưng hơn. Giống ngựa này có thể chạy liền mạch 160 km mà không cần nghỉ.
7. Ngựa và thể thao
Ngày nay, ngựa được nuôi để phục vụ cho các cuộc thi và hoạt động thể thao, giải trí... Việc nuôi ngựa đang dần trở thành một hoạt động kinh doanh lớn ở nhiều nước trên thế giới. Riêng ở Mỹ, khoảng 4,6 triệu người đang làm các công việc kinh doanh có liên quan đến ngựa với số lượng ngựa lên đến 9 triệu con. Ngành công nghiệp ngựa ở quốc gia này ước tính đạt 39 tỷ USD mỗi năm.
8. Món ăn từ ngựa
Thịt ngựa được coi là một món ăn thông dụng ở nhiều nước trên thế giới. Người Pháp không chỉ ăn thịt ngựa, mà còn ăn óc và tim ngựa. Trên thực tế, thịt ngựa đã trở thành món ăn của con người kể từ khi chúng xuất hiện. Trong chiến tranh, thịt ngựa là món ăn cung cấp nhiều protein mà lại có giá thành rẻ. Ngày nay, thịt ngựa được ưa chuộng vì có mùi vị đặc biệt.