Thông tin trở thành nguồn vốn mới; quốc gia, tổ chức hay cá nhân nào tạo ra, sở hữu nhiều thông tin chất lượng cao hơn thì sẽ đóng vai trò lớn hơn trong tương lai. Sau khi các vấn đề về khoa học, công nghệ đời sống về giao diện não-máy tính và chip nhớ được giải quyết, con người có thể bất tử. Nhiều trường đại học sẽ đóng cửa và nhiều việc làm trong ngành giáo dục sẽ mất đi…
“Là một học giả, tôi có nhiều lo lắng về tương lai, chiến tranh, nạn đói, thảm họa khí hậu, virus, suy thoái kinh tế… Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng thế giới sẽ tốt đẹp hơn vào năm 2040. Năm 2040, nền kinh tế toàn cầu sẽ còn lớn hơn nữa, có khả năng giải quyết vấn đề nghèo đói trên thế giới, hiện đang ảnh hưởng trực tiếp đến 1 tỷ người”, GS Wang Wen, Đại học Nhân dân Trung Quốc, chia sẻ khi viết bài cho Hội nghị Thanh niên Câu lạc bộ Valdai được tổ chức vào tháng 3/2024 tại thành phố Sochi của Nga.
Thông tin trở thành nguồn vốn mới
Những năm gần đây, thông tin đã trở thành nguồn vốn mới. Trong số 500 công ty hàng đầu thế giới, càng lúc càng có nhiều công ty tập trung vào công nghệ thông tin và công nghệ số. Các công ty công nghệ thông tin “FAANG” (Facebook, Apply, Amazon, Netflix, Google) có cổ phiếu lớn nhất, chiếm hơn 40% tổng vốn hóa thị trường của thị trường chứng khoán Mỹ.
Những người có nhiều dữ liệu và thông tin hơn sẽ mạnh mẽ hơn và thống trị thế giới. (Ảnh minh họa: NEXT Conference).
Khả năng thu thập và sản xuất thông tin sẽ quyết định phương pháp quản lý và phân phối của cải trong 20 năm tới. Nếu nhìn vào những người nổi tiếng trên mạng, bạn sẽ biết rằng người có 10 triệu người theo dõi có sức ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với người có 10 triệu USD. Cho dù đó là một quốc gia, tổ chức hay cá nhân, nếu có thể tạo ra nhiều thông tin chất lượng cao hơn thì nó sẽ đóng vai trò lớn hơn trong tương lai.
Ai sử dụng tốt hơn công nghệ thông minh sẽ có khả năng chiếm được vị trí xã hội thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nếu nhóm yếu thế có thể sử dụng tốt công nghệ, họ có thể xoay chuyển cuộc sống của mình. Nhiều người nổi tiếng trên Internet cấp cơ sở đã thay đổi hoàn toàn vận mệnh của mình chỉ sau vài năm, thậm chí vài tháng. Nhưng mặt khác, những bất bình đẳng mới sẽ xuất hiện khắp thế giới. Những người có nhiều dữ liệu và thông tin hơn sẽ mạnh mẽ hơn và thống trị thế giới. Đây là một sự không chắc chắn mới mà nhân loại phải đối mặt.
Mức sống và tuổi thọ tăng mạnh
Con người cách đây 200 năm chỉ có tuổi thọ trung bình khoảng 40 năm. Trung bình, con người sinh sau năm 2000 có thể thọ 80 tuổi. Trong 20 năm tới, nếu không có chiến tranh thế giới, đại dịch hay thảm họa khí hậu, tuổi thọ của con người chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể. Với công nghệ y tế hiện tại, con người rất có thể có tuổi thọ trung bình 90 tuổi hoặc thậm chí hơn 100 tuổi vào những năm 2040.
Theo tầm nhìn của tỷ phú công nghệ Mỹ Elon Musk, trong vòng 20 năm tới, sau khi các vấn đề về khoa học và công nghệ đời sống về giao diện não-máy tính và chip nhớ được giải quyết, con người thậm chí sẽ có thể đạt được khả năng bất tử. Nhân loại cũng phải đối mặt với khả năng có được cuộc sống số vĩnh cửu. Từ những quan điểm này, trong vòng 20 năm tới, sự tồn tại và cuộc sống của con người sẽ mở ra một sự thay đổi mô hình mới mang tính cách mạng chưa từng có và một kỷ nguyên mới của nền văn minh vượt qua nền văn minh công nghiệp sẽ đến.
Giáo dục góp phần định hình kinh tế tương lai
Giáo dục sẽ chứng kiến một cuộc cách mạng mô hình chưa từng có trong tương lai. Khái niệm trường đại học và giáo sư sẽ trở nên xa lạ. Theo truyền thống, các trường đại học và giáo sư chiếm vị thế là bên thứ nhất trong giáo dục vì họ độc quyền về kiến thức và thông tin. Tuy nhiên, cơ cấu giáo dục này sẽ tan rã.
Trong 20 năm tới, nhiều trường đại học sẽ đóng cửa và nhiều việc làm trong ngành giáo dục sẽ mất đi. Khi thông tin và tri thức trở nên tự do, không còn độc quyền thì mọi người sẽ có thể trở thành người tạo ra giá trị kinh tế trong giáo dục bằng cách tổ chức lại tri thức và tạo ra tri thức mới. Hơn nữa, trong khi chi phí sản xuất hàng hóa thông thường tiếp tục giảm, chi phí tạo ra nền giáo dục và kiến thức chất lượng cao lại tăng. Giáo dục và giải trí sẽ hợp nhất. Mọi người muốn tận hưởng trải nghiệm giáo dục tốt hơn cũng giống như họ đã theo đuổi thức ăn ngon hơn, quần áo đẹp hơn và nhà cửa lớn hơn trong quá khứ. Một đoạn video hay, một cuốn tiểu thuyết hay hoặc một bài hát hay sẽ tạo ra sự tăng trưởng kinh tế cao hơn.
GS Wang Wen cũng dự đoán rằng, cách mạng kỹ thuật số vừa san bằng nhiều bất bình đẳng vừa tạo ra một số bất bình đẳng mới; tiến bộ công nghệ giải phóng não bộ; thêm nhiều nước chăm sóc y tế miễn phí; thế giới giảm phụ thuộc tài nguyên thiên nhiên; các nền kinh tế mới nổi đóng góp cho hòa bình; xu hướng nhân khẩu học tác động kinh tế toàn cầu, dân số các nước phát triển sẽ giảm mạnh; các cường quốc tận dụng diễn ngôn về khí hậu; vai trò cá nhân trong các lĩnh vực tăng mạnh; toàn cầu hóa hơn nữa… |
Ngành dịch vụ chiếm ưu thế
Công nghệ thông minh chắc chắn sẽ định hình lại thị trường việc làm. Trong tương lai, con người sẽ càng lúc càng ít tham gia vào hoạt động nông nghiệp, công nghiệp hoặc sản xuất. Một lượng lớn công việc sẽ được thay thế bởi trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó có giảng dạy. Con người sẽ tham gia nhiều hơn vào ngành dịch vụ, đặc biệt là ngành dịch vụ với mục tiêu chính là tạo điều kiện thuận lợi cho việc tận hưởng cuộc sống.
Hiện nay, ở các nước phát triển, ngành dịch vụ chiếm hơn 80% tổng nền kinh tế. Tỷ lệ các nước đang phát triển tham gia vào ngành dịch vụ vẫn còn tương đối thấp, nhưng sẽ tăng trong tương lai. Một sự thay đổi khác trong việc làm là kỹ năng thông tin sẽ trở thành kỹ năng thiết yếu cho việc làm. Kỹ năng lập trình tốt, kỹ năng phân tích dữ liệu… đều sẽ là những kỹ năng mà các bạn trẻ phải học. Hiện nay, việc giỏi ngoại ngữ và biết lái xe có thể giúp thanh niên tìm được việc làm tốt hơn. Tương tự trong tương lai, khả năng dữ liệu sẽ giúp những người trẻ tìm được việc làm dễ dàng hơn.
AI tác động lớn tới xã hội và kinh tế
Đổi mới công nghệ AI dựa trên thuật toán dữ liệu đã cải thiện đáng kể hiệu quả phát triển chung của các hoạt động xã hội, nhưng nó cũng tiềm ẩn rủi ro kỹ thuật rất lớn, khó lường, như “con dao hai lưỡi” như thiếu lương thực, biến động tài chính, khủng hoảng kinh tế, xung đột quân sự và trở thành một biến số mới định hình lại logic cơ bản của các hoạt động xã hội trong tương lai. Điều này sẽ thúc đẩy những cuộc tranh luận và sự bế tắc chưa từng có về đạo đức của công nghệ.
Công nghệ thông minh mở rộng thời gian và không gian hoạt động của con người nhưng đồng thời cũng xuất hiện nguy cơ mới là sức lao động của con người sẽ dần bị thay thế, con người có thể mất quyền kiểm soát thế giới và địa vị thống trị của mình. Về điểm này, tôi đồng ý với suy nghĩ của Musk. Cách chúng ta điều tiết sự phát triển của AI sẽ trở thành một vấn đề cực kỳ quan trọng trong 20 năm tới.